0109.0011
-
PDF
GoogleDocs
rồi, để tôi đợi lương thuyền nó đến, tôi đánh tập hậu thì chắc là phá được. Nếu không xong, khi ấy tôi xin về chịu tội.
Trung-sứ nể Khánh-Dư cũng là một vì vương, nghe nhời hoãn lại. Khánh-Dư tức thì thu nhặt tàn quân, phục sẵn đón đường. Quả nhiên Ô-mã-Nhi vừa đi khỏi, thì thấy Trương-văn-Hổ tải các thuyền lương vào cửa bể Lục-thủy-dương ([1]). Quân phục của Khánh-Dư đổ ra đánh. Văn-Hổ địch không nổi, bao nhiêu thuyền lương bị quân Khánh-Dư phá cướp mất cả, và bắt được khí giới rất nhiều. Còn Văn-Hổ thì lẻn cưỡi một chiếc thuyền nhỏ chạy thoát ra Quình-châu.
Khánh-Dư thắng trận, đưa thư về hành-tại báo tiệp. Thượng-hoàng mừng rỡ, xá cho tội trước không hỏi ; rồi triệu Hưng-đạo vương phán rằng :
- Quân Nguyên cốt trông cậy có lương thảo, khí giới, nay đã bị ta cướp được cả rồi, thì thế nó không tràng cửu được nữa. Nhưng Thoát-Hoan chưa biết, tất còn ngông nghênh đắc chí, ta nên tha những quân bắt được cho về báo tin với nó, thì quân nó tất ngã lòng, bấy giờ ta phá mới dễ.
Hưng-đạo vương tâu :
- Thượng-hoàng dạy phải, xin tuân lịnh.
Quân Nguyên được tha về báo với Thoát-Hoan. Thoát-Hoan mới biết là thuyền lương Văn-Hổ tải sang vào đến cửa bể đã bị cướp mất cả rồi ; quân sĩ nghe thấy cũng xôn xao sợ rằng lương thảo mỗi ngày một cạn.
Thoát-Hoan thấy thế vừa lo vừa giận, liền sai Ô-mã-Nhi, Phàn-Tiếp dẫn 5.000 quân đến phá trại An-hưng. Ô-mã-Nhi lĩnh mệnh dẫn quân đi.
Hưng-đạo vương thấy quân Nguyên kéo đến, sai Dã-Tượng, Yết-Kiêu dẫn quân ra khỏi ngoài trại 10 dặm cự nhau với quân Ô-mã-Nhi. Đôi bên dàn trận, Dã-Tượng múa đại-đao tra trước, quát lên rằng :
- Bớ quân giặc ! Chúng mày sắp đến ngày tận số, còn dám đến đây khoe khoang gì ?
Trận bên kia Phàn-Tiếp nhảy ra, cũng quát rằng :
- Thằng mặt đen kia, chớ nói khoác, hãy coi phép đao của ta đây !
Hai tướng xông vào đánh nhau, bảy tám mươi hợp, chưa phân thắng phụ. Ô-mã-Nhi ở trong trận trông thấy Dã-Tượng đánh hăng lắm, liền quất ngựa ra đánh giúp cho Phàn-Tiếp.
Yết-Kiêu cũng cắp đôi kiếm xông ra giao phong, nhưng Yết-Kiêu không địch nổi sức Ô-mã-Nhi, xuýt nữa bị đâm chết. Yết-Kiêu quay ngựa chạy về trận. Ô-mã-Nhi thúc quân đuổi đánh Dã-Tượng, Dã-Tượng vừa đánh vừa lui. Hai tướng Nguyên thừa thế đánh tràn sang, Dã-Tượng, Yết-Kiêu thu quân chạy về.
Hưng-đạo vương thấy hai tướng bị thua giở về, nổi giận thét chém.
Các tướng xô vào can rằng :
- Ô-mã-Nhi, Phàn-Tiếp vốn là danh tướng bên Nguyên, tướng ta chỉ có Phạm-ngũ-Lão, Nguyễn-Khoái, Nguyễn-chế-Nghĩa là địch nổi. Trận này thua là bởi Dã-Tượng, Yết-Kiêu kém sức, chớ không phải là không dụng tâm.
Hưng-đạo vương mới tha tội cho hai tướng.
Hôm sau, Ô-mã-Nhi, Phàn-Tiếp lại dẫn quân kéo đến. Hưng-đạo vương sai Nguyễn-chế-Nghĩa làm chánh tướng, Hùng-Thắng, Huyền-Du là phó tướng, dẫn 3.000 quân ra cự địch. Ô-mã-Nhi ra trận khiêu chiến, Nguyễn-chế-Nghĩa nhảy ra giao phong. Hai tướng đấu dư trăm hợp, càng đánh càng hăng, không phân thắng phụ. Hùng-Thắng, Huyền-Du chia quân làm đôi ngả đánh tràn sang. Hai bên đánh nhau lộn mù một hồi, rồi lại thu binh đâu về đấy.
Bấy giờ Phạm-ngũ-Lão cũng vừa ở Long-hưng dẫn quân đến, vào trại ra mắt Hưng-đạo vương, Hưng-đạo vương mừng nói rằng :
- Ngũ-Lão đến đây, ta chắc phá xong quân giặc !
Liền sai Phạm-ngũ-Lão đem quân ra giúp Nguyễn-chế-Nghĩa để phá Ô-mã-Nhi.
Ô-mã-Nhi thấy Nguyễn-chế-Nghĩa là tướng anh hùng, lại nghe có Phạm-ngũ-Lão đến giúp, liệu bề đánh không nổi, liền rút quân về Vạn-kiếp.
Thoát-Hoan thấy quân thế của Hưng-đạo vương mạnh lắm, chưa có thể phá được, mới sai các tướng chia nhau ra giữ trại Phả-lại và trại Chí-linh, muốn cho người về Tàu tiếp vận quân lương và viện thêm binh đến.
Hưng-đạo vương thấy Thoát-Hoan giữ vững hai trại trên núi, không dám ra đánh, ngài muốn tiến quân đến phá hai trại.
Đó là :
Giặc mong thủ hiểm tìm mưu kế,
Ta phải thừa cơ kíp tiễu trừ.
Chưa biết về sau được thua thế nào, sẽ xem hồi sau phân giải.
HỒI THỨ MƯỜI LĂM
Sông Bạch-đằng kình nghê tiệt giống,
Cõi Hồng-lạc non nước thanh bình.
Hưng-đạo vương thấy Thoát-Hoan cố giữ hai trại không ra, mới tâu với vua rằng :
- Thoát-Hoan nay đã cô thế, giữ vững trại, có ý muốn chờ viện binh. Ta nên sai chặn hết các đường Tàu sang, không cho quân viện kéo đến. Vả lại giời đang tháng ba, sắp đến mùa nóng nực, quân Nguyên không chịu được, tất phải rút về, ta nhân dịp này tiến binh, chắc là trừ hết nghịch tặc.
Vua cả mừng nói rằng :
- Đại-vương nói phải !
Khi ấy Hoài-văn hầu Quốc-Toản tự Nghệ-an cũng đã dẫn quân ra, Hưng-đạo vương liền sai Trần-quốc-Toản tiếp quân lên giữ mặt Lạng-sơn. Một mặt sai hai vị vương-tử là Quốc-Nghiễn, Quốc-Tảng dẫn quân lên đóng chặn núi Kì-cấp và ải Nữ-nhi([2]) để phòng giữ quân viện của Nguyên kéo sang. Một mặt sai Phạm-ngũ-Lão dẫn bọn Cao-Mang, Đại-Hành đến phá trại Chí-linh. Nguyễn-chế-Nghĩa dẫn bọn Hùng-Thắng, Huyền-Du đến phá trại Phả-lại. Ngài thì thống lĩnh đại quân tiếp ứng. Còn để hai vị vương-tử là Quốc-Úy, Quốc-Nghê, Tham-tán là Phạm-Ngộ, Phạm-Mãi ở lại hộ giá và giữ trại nhà.
Thoát-Hoan muốn cho người về Tàu cầu viện và tiếp lương, nhưng nghe thấy Hưng-đạo vương giữ chặn hết các đường, trong bụng buồn rầu, lui tới hai đường cùng khó, mới hội các tướng lại hỏi rằng :
- Quân ta giữ mãi ở đây không tiện, lương thì sắp cạn, muốn cho người về cầu cứu thì nghẽn mất đường rồi ; muốn tiến binh ra đánh thì quân mình thua mãi, không còn bụng nào muốn đánh, các ngươi nghĩ thế nào bây giờ ?
A-bát-Xích nói rằng :
- Quân ta nay đã yếu thế, dù muốn đánh cũng khó đương được với quân Trần. Ta tiếng là thủ hiểm ở hai trại núi này, nhưng ở đây thành trì đã không có, kho tàng lại cạn cả. Vả đang lúc hết xuân sang hạ, khí giời nóng nực, quân ta cũng không chịu được ; mà các nơi hiểm yếu khi trước ta chiếm được, cũng đã mất cả. Chi bằng hãy tạm rút quân về nước, rồi sẽ liệu kế khác.
Thoát-Hoan nghe nhời, còn đang phân vân chưa quyết, sực có tin báo rằng có hai đạo quân kéo đến. Thoát-Hoan vội vàng sai Ô-mã-Nhi, Trình-bằng-Phi chia quân làm hai ngả ra địch. Hai tướng vừa ra khỏi trại vài ba dặm, thì gặp quan quân kéo đến. Đôi bên dàn trận đánh nhau, quân Nguyên thua to, lại rút về trại.
Hưng-đạo vương thúc các tướng tiến thẳng đến phá trại. Thoát-Hoan chia quân giữ vững hai trại, quan quân phá luôn ba ngày không vỡ.
Hưng-đạo vương mới truyền lịnh cho các tướng lui quân cách trại Nguyên ba dặm hạ trại đóng quân. Còn ngài thì đem đại quân lui về đóng tại làng A-sào huyện Phụng-dực,([3]) đó là nơi chứa lương thảo cực nhiều.
Thoát-Hoan giữ được nửa tháng, nghe thế đã núng lắm, muốn rút quân về Tàu : Định sai Ô-mã-Nhi, Phàn-Tiếp dẫn thủy quân theo đường sông Bạch-đằng ([4]) về trước. Còn mặt bộ thì sai Trình-bằng-Phi, Trương-Quân dẫn binh đi chặn hậu ; mình thì đem các tướng đi giữa, định vài hôm nữa thì về.
Hưng-đạo vương biết mưu ấy, truyền hịch cho các tướng rằng :
- Quân Nguyên không mấy bữa nữa thì rút về Tàu, thủy quân tất kéo về trước. Nguyễn-Khoái, ngươi nên dẫn quân lẻn qua đường tắt lên mé thượng-lưu sông Bạch-đằng, kiếm gỗ đẽo nhọn đóng khắp giữa dòng sông, khi nước thủy triều tràn lên, hễ thấy thuyền giặc đi qua, thì ngươi dẫn quân kéo thuyền ra khiêu chiến, dử cho thuyền giặc qua chỗ đóng cọc, nhân lúc nước thủy triều xuống, thì quay binh lại hết sức mà đánh, chắc là bắt hết được quân Nguyên.
Nguyễn-Khoái vâng lịnh dẫn quân đi.
Lại truyền cho Phạm-ngũ-Lão, Nguyễn-chế-Nghĩa rằng :
- Hai ngươi nên dẫn quân phục sẵn ở ải Nội-bàng, ([5]) quân Nguyên tất chạy qua đấy để về Tàu. Khi nào đi qua, thì đổ ra mà đánh.
Hai tướng phụng lịnh dẫn quân đi.
Hưng-đạo vương sai các tướng đi đâu đấy, còn ngài thì sắp sửa dẫn bọn bộ-tướng tiến quân lên phá trại giặc, sực nghe tin báo rằng : Ô-mã-Nhi đã kéo quân về đến Bạch-đằng.
Hưng-đạo vương nổi giận, hô quân sĩ, trỏ sông Hóa-giang([6]) mà thề rằng :
- Trận này không phá xong giặc Nguyên, thì thề không về đến sông này nữa !
Quân sĩ dạ rầm giời. Ngài vội nhảy lên voi thúc quân kéo tắt ngang sông, qua Hải-dương ra Bạch-đằng. Khi tới bờ sông Hóa-giang, thì nước cửa bể Thái-bình xuống kiệt lắm, mà lòng sông thì những bùn lầy ; hết thẩy nam, phụ, lão ấu gần đó, chanh nhau đem rơm, đem ván ra độn để lấy lối voi đi, nhưng con voi của ngài to quá, khỏe quá, lúc đi tới lòng sông, không may sa lầy, khiêng mãi không lên được ; ngài phải chịu bỏ voi ở đấy kéo quân đi bộ. Lúc ngài đi, con voi cứ trông theo ứa nước mắt ra, ngài ngảnh lại không nín được, cũng chảy nước mắt ra, nhưng ngài phải nói trấn áp rằng :
- Ta thương là thương con voi trung thành với nước và có nghĩa với ta, chớ không phải sợ là điềm bất thường đâu. Hễ đứa nào nôn nao, thì trông thanh thần kiếm ta này.
Quân sĩ dạ, đều xin quyết chiến, kéo một mạch đến sông Bạch-đằng.
Khi ấy, Ô-mã-Nhi, Phàn-Tiếp theo dòng sông Bạch-đằng, vừa đi được vài dặm thủy trình, bỗng thấy trống nổi thùng thùng, có một tướng dẫn chiến thuyền đến đánh. Ô-mã-Nhi tức giận thúc quân vào đánh, Nguyễn-Khoái liền quay thuyền chạy. Bấy giờ đang lúc thủy triều lên, mặt nước mênh mông, Ô-mã-Nhi vô tình, thấy bên này chạy, cứ việc thúc thuyền đuổi theo. Nguyễn-Khoái dử cho đi khỏi xa chỗ đóng cọc, rồi mới quay thuyền thả binh đánh vật lại. Quân Ô-mã-Nhi đánh cũng hăng, may có đại quân của Hưng-đạo vương tiếp đến. Ô-mã-Nhi, Phàn-Tiếp thấy quan quân to thế lắm, mới quay thuyền chạy về. Khi về đến khúc sông đóng cọc, nước thủy-triều đã rút, thuyền Nguyên vướng mắc phải cọc, đổ nghiêng đổ ngửa, đắm vỡ rất nhiều. Quan quân thừa thắng đánh cực hăng, quân Nguyên chết như rạ, máu loang đỏ cả khúc sông ; còn bị bắt sống cũng nhiều. Đỗ-Hành bắt sống được Ô-mã-Nhi và hai tì-tướng là Tích-Lệ, Cơ-Ngọc. Phàn-Tiếp thì bị Nguyễn-Khoái tóm được, và cướp được hơn 400 chiếc thuyền.
Khi khải hoàn về qua Hóa-giang, thì nước thủy triều lên to, voi chìm mất đã lâu, ngài mới sai xây một con voi gạch ở bên sông để kỷ công. ([7])
Vậy có thơ kỷ niệm rằng :
Thành Phụng ba quân bay thẳng gió,
Bến Voi giọt lệ túa ngang sông.
Nước cờ thí tượng còn như vẽ,
Mấy cuộc tang thương viếng bể Đông.
Thoát-Hoan nghe tin quân thủy vỡ rồi, dẫn bọn Trình-bằng-Phi, A-bát-Xích, Áo-lỗ-Xích, Trương-Quân, Trương-Ngọc chạy riết đường bộ, về đến ải Nội-bàng, bỗng gặp phải quân phục của Phạm-ngũ-Lão, Nguyễn-chế-Nghĩa đổ ra đánh. Các tướng Nguyên hết sức giữ gìn Thoát-Hoan, vừa đánh vừa chạy. Trương-Quân dẫn 3.000 quân đi đoạn hậu, liều chết lăn xả vào đánh, bị Phạm-ngũ-Lão chém chết. Thoát-Hoan chạy thoát được ra khỏi cửa ải, quân sĩ mười phần, tổn hại mất 5, 6 phần.
Thoát-Hoan nghĩ mình danh diện, tiếng thá thì nhiều, mà đến nỗi thua liểng xiểng thế này, trong bụng sầu não biết là ngần nào. Các tướng kẻ thì bị thương, người thì phải dấu, khi bước chân đi, hùng dũng làm sao, khí phách làm sao, nay thì người nào người nấy mặt mũi tiu nghỉu. Quân-sĩ thì lác đác còn 5, 3 vạn, mà phần nhiều là người bị thương. Khí giới cái thì gẫy, cái thì mẻ, cờ tán rách rưới, giáp trụ tồi tàn, trông ra rất là tiều tụy.
Thoát-Hoan trông thấy quang cảnh làm vậy, ứa nước mắt, bảo với các tướng rằng :
- Ta tự khi theo hoàng-phụ đánh đông dẹp bắc, chưa khi nào thảm nhục đến thế này !
Đang khi buồn rầu, bỗng lại có điệp-văn chạy về báo rằng :
- Tự cửa ải Nữ-nhi đến mãi núi Kỳ-cấp, hơn 100 dặm đường đất, chỗ nào cũng có đồn ải, chặn hết cả đường quân ta kéo về.
Quân Nguyên nghe tin ấy, ai nấy không còn máu mặt.
Thoát-Hoan bảo với các tướng rằng :
- Quân ta đã đến đường đất này, ở đây cũng chết, mà về cũng khó, thôi thì phải liều đánh một phen nữa, may ra về thoát được chăng ?
Các tướng ngơ ngác trông nhau, rồi nói rằng :
- Quân ta phần nhiều là quân bị thương, còn người nào không thì cũng đã mệt nhọc cả rồi, còn đánh làm sao cho được.
Các tướng vừa phàn nàn vừa kéo quân đi, sực lại nghe thấy mé sau, tiếng reo ầm ầm, quân đuổi theo đã sắp kéo đến. Thoát-Hoan vội vàng sai A-bát-Xích, Trương-Ngọc dẫn quân đi trước mở đường ; Áo-lỗ-Xích đi đoạn hậu, còn mình thì dẫn các tướng đi giữa.
A-bát-Xích, Trương-Ngọc đi trước, gặp phải quan quân chặn đường, hết sức ra đánh. Quan quân đứng đôi bên sườn núi, bắn tên thuốc độc xuống như mưa, A-bát-Xích, Trương-Ngọc cùng tử trận, quân sĩ chết như rạ, thây nằm ngổn ngang từng đống ; duy còn bọn Trình-bằng-Phi hết sức giữ gìn Thoát-Hoan, chạy ra Đan-Kỷ, qua Lộc-châu, rồi đi lẻn con đường tắt về châu Tư-minh.
Áo-lỗ-Xích đi sau cũng thoát, mới nhặt nhạnh tàn quân theo cả Thoát-Hoan về Yên-kinh.
Hưng-đạo vương chuyến này thực là trừ hết quân Mông-cổ, mới hôi các tướng, dẫn quân rước xa-giá Thượng-hoàng, cùng vua về cung. Khi đến Long-hưng, Thượng-hoàng cùng vua làm lễ vào bái yết Chiêu-lăng, rồi đem bọn tướng Nguyên bắt được là Ô-mã-Nhi, Phàn-Tiếp, Tích-Lệ, Cơ-Ngọc, dâng nộp tại trước lăng tiên-đế.
Khi ấy vua trông thấy lăng tẩm khác xưa, những con ngựa đá ở trước lăng con nào chân cũng dính bùn, vua nghĩ rằng trong khi chinh chiến, tiên-đế anh linh, dễ thường cũng cưỡi ngựa đi giúp. Vua thấy thế cảm tình, vịnh hai câu thơ rằng :
Xã tắc hai phen bon ngựa đá,
Non sông thiên cổ vững âu vàng.
Tế lễ đâu đấy, Hưng-đạo vương rước xa-giá về Thăng-long. Vua trông thấy non sông lại yên bình như cũ, mừng rỡ vô cùng, bảo Hưng-đạo vương rằng :
- Nhà nước ta mấy phen nguy mà lại yên, toàn nhờ sức của đại-vương cả.
Hưng-đạo vương tâu rằng :
- Thần đâu dám nhận công ấy, đó là nhờ hồng phúc của nhà vua, cùng các tướng hết lòng ra sức, như thần thì có tài gì ?
Vua sai mở tiệc khao thưởng tướng-sĩ, cho dân sự mở hội vui vẻ ba ngày, gọi là Thái-bình-diên-yến.
Nói về Thoát-Hoan thu quân về Yên-kinh vào chầu Nguyên chúa, thuật lại tình hình bại trận. Nguyên chúa nổi giận đùng đùng, muốn lại cất quân sang đánh báo thù phen nữa.
Các quan can rằng :
- Nam, bắc chia cõi, xưa nay đã định tự sổ giời. Vả lại bên An-nam vua tôi đồng lòng, cha con một bụng, lại có Hưng-đạo vương giỏi việc dùng binh, mưu cơ biến hóa như thần, dù đến Tôn, Ngô sống lại, Tư-mã phục sinh, cũng không chắc đánh nổi. Vì thế quân ta đã ba phen vượt qua cửa ải, mà lại thua lụi bại. Chi bằng nghỉ việc dùng binh, thông thường hòa hiếu, để dưỡng sức muôn dân.
Nguyên chúa nghe dịu tai mới thôi.
Vua Nhân-tôn cũng nghĩ rằng mình tuy thắng được quân Nguyên ba phen, nhưng nước mình vẫn là một nước nhỏ, không thể hơi sức nào mà địch mãi với Nguyên triều được. Vì thế ngài muốn giảng hòa với Nguyên, mới sai em Đỗ-khắc-Chung là Đỗ-thiên-Hứ sang sứ, xin theo lệ cống hiến như xưa.
Nguyên chúa biết cơ cũng chưa làm gì nổi, vậy cũng nghe nhời cho thông hòa.
Tháng hai mùa xuân năm Kỉ-sửu là niên hiệu Trùng-hưng thứ năm. (Niên hiệu Chí-nguyên nhà Nguyên thứ 26, lịch tây 1289) Vua đã thông hòa với Nguyên, mới sai Tòng-nghĩa-lang là Nguyễn-Thịnh đưa bọn tướng Nguyên bị bắt là Tích-Lệ, Cơ-Ngọc về Tàu trước, Phàm-Tiếp vì lo thành bệnh chết, sai đem hỏa-táng, rồi cấp ngựa cho vợ con Phàn-Tiếp, cho đem hài cốt chồng về nước. Những các đầu mục cũng tha cho về cả. Duy có Ô-mã-Nhi giết hại nhiều người, vua căm tức vô cùng, không muốn tha về, nhưng lại ngại đường hòa hiếu, mới hỏi Hưng-đạo vương, xem xử cách gì cho giết được Ô-mã-Nhi, mà Nguyên triều không trách được.
Hưng-đạo vương tâu rằng :
- Bệ-hạ muốn giết Ô-mã-Nhi, mà Nguyên chúa cũng không thể trách được, thì chỉ sai vài người thủy-phủ tài lội, đưa thuyền Ô-mã-Nhi về, khi thuyền ra đến bể, thì đục thuyền đánh đắm đi, rồi cho người sang nói với Nguyên chúa rằng vì thuyền đắm mà chết, thì Nguyên chúa cũng không trách vào đâu được.
Vua nghe kế ấy, sai Nội-thư-gia là Hoàng-tá-Thốn đưa Ô-mã-Nhi về nước, ra đến bể thì thuyền đắm. Ô-mã-Nhi chết đuối dưới bể.
Hoàng-tá-Thốn lên được, đi thẳng đến Yên-kinh, vào tâu với Nguyên chúa rằng :
- Tôi phụng mệnh đưa Tham-chính về thượng-quốc, chẳng may đi bể gặp phong ba đắm mất thuyền, Tham-chính to nhớn lắm, chúng tôi vớt không nổi, cho nên chết đuối.
Nguyên chúa tưởng là sự thực, cũng không tra hỏi gì nữa. Sai Đề-hình là Lưu-đình-Trực, Lễ-bộ Thị-lang là Lý-tư-Diễn đem chiếu chỉ sang tuyên phong. Vua sai Hưng-đạo vương khoản tiếp bọn Đình-Trực, lưu ở lại 10 ngày ; tình ý đôi bên hoan hỉ lắm.
Bọn Đình-trực từ về. Vua liền sai Đàm-Minh đem đồ lễ vật sang cống hiến bên Nguyên. Từ đó nam, bắc lại thông hòa như trước.
Đó là :
Can qua tranh chiến vừa xong cuộc,
Ngọc bạch giao thông lại giảng hòa.
Chưa biết còn những chuyện gì, xem hồi sau phân giải.
HỒI THỨ MƯỜI SÁU
Nghiêm thưởng phạt, phép nước công minh,
Vui sơn thủy, đại vương cáo lão.
Hưng-đạo vương bình định xong quân Nguyên, vua thấy ngài có công to với nước, kính trọng muôn phần, tiến phong cho ngài lên làm Thái-sư thượng-phụ Thượng-quốc-công Bình-bắc-đại-nguyên-súy Hưng-đạo đại-vương. Cho phép khi vào chầu được ngồi, tấu đối không phải xưng danh. Vua gọi đến ngài cũng gọi là thượng-phụ, chớ không dám gọi đến tên.
Bây giờ Thái-úy Trần-nhật-Hiệu, Thượng-tướng Trần-quang-Khải đã mất cả rồi. Công việc triều-đình, nhất thiết do tự Hưng-đạo đại-vương và Chiêu-văn vương Trần-nhật-Duật.
Qua sang tháng tư, bàn định công bình Nguyên, phong cho Hưng-võ vương Nghiễn làm Khai-quốc-công, Hưng-nhượng vương Tảng làm Tiết-độ-sứ, Hoài-văn-Hầu Quốc-Toản cũng được tiến tước phong vương. Còn Hưng-trí vương Nghê vì trài tướng lịnh, chặn đường lúc quân Nguyên tha về, không được tiến trật.
Các tướng khác họ, ai có công to thì cho quốc-tính. Đỗ-khắc-Chung được làm Đại-hành-khiển, Nguyễn-Khoái được phong tước hầu, cho ăn lộc một làng Khoái-lộ([8]), Phạm-ngũ-Lão làm quản Thánh-dực-quân, Nguyễn-chế-Nghĩa được phong làm Nghĩa-xuyên-công, Đỗ-Hành được phong làm Quan-nội-hầu. Còn bọn Dã-Tượng, Yết-Kiêu, Cao-Mang, Đại-Hành, cùng là các tướng, hết thẩy được chức tướng-quân.
Khi trước quân Nguyên mới sang, vua sai Phùng-sĩ-Chu bói một quẻ. Sĩ-Chu bói rồi đoán rằng tất đại-thắng. Vua lại sai Trần-thời-Kiến bói một quẻ nữa. Thời-Kiến gieo quẻ được quẻ Dự biến thành quẻ Trấn, đoán rằng : “Mùa hạ sang năm, quân Nguyên tất thua to.” Thứ sau quân Nguyên đến, vua lại sai Thời-Kiến bói một quẻ, thì bói được quẻ Quán biến thành quẻ Hoán, đoán rằng : “Quẻ này là điềm li-tán, quân Nguyên tất phải thua.” Đến khi phá được quân Nguyên, quả nhiên nghiệm cả. Bởi thế phong cho Phùng-sĩ-Chu làm Hành-khiển, Trần-thời-Kiến làm An-phủ-sứ ở châu An-khang.
Trương-hán-Siêu tham tán có công, được cất làm Hàn-lâm-học-sĩ.
[1] Thuộc huyện Hoành-bồ, tỉnh Quảng-yên.
[2] Thuộc về Lạng-sơn.
[3] Sau đổi làm Phụ-phụng, sau nữa lại đổi làm Phụ-dực, thuộc tỉnh Thái-bình.
[4] Thuộc huyện Thủy-nguyên tỉnh Kiến-an.
[5] Thuộc Lạng-sơn.
[6] Cạnh làng A-sào.
[7] Voi gạch bây giờ hãy còn, có xây bệ thờ. Đền làng A-sào vẫn truyền là chốn quân dinh. – Các nhà nho vẫn còn gọi Hóa-giang là Tượng-chử (Bến-voi), Phụ-dực là Phụng-thành.
[8] Tức là phủ Khoái bây giờ.