0087.0010

26/1/16
0087.0010
  • PDF
    GoogleDocs

    {:Bang Tang Du Tu 1:}

    Bấy giờ cơ đã tới nơi,

    Lòng người có chí thì thời cũng bênh.

    Ông khi ấy một mình len lỏi,

    Một chiếc thuyền theo dõi bờ sông.

    Toàn quyền Đông-Pháp Mặc-lanh,

    Hắn lên xe điện thẳng dong cửa hàng.

    Thành Sa-diện phố phường đón rước,

    Mời vào nhà thết tiệc hoan nghênh.

    Ông vào thám thính phân minh,

    Lại gần chú lính đang canh nạt dồn.

    Tám giờ tối bàn hoàn chưa định,

    Việc gấp rồi phải tính mau mau.

    Khen người kế hoạt mưu cao,

    Tốc ngay cửa sổ ném vào một khi.

    Người trong tiệc còn chi đâu nữa,

    Chúng kinh hoàng hồn rữa phách tan.

    Tây kia mới hết khoe khoang,

    Xương tan xác pháo thịt tan bụi hồng.

    Chốn Sa-diện một vùng tối mịt,

    Thuyền Châu-Giang trăm chiếc đón đưa.

    Hy sinh cứu nước bây giờ,

    Hồn thiêng cao phất ngọn cờ tự do.

    “ Anh hùng vị quốc quyên khu”([1]),

    Sông Châu-Giang ấy nghìn thu lưu truyền !


    Phải tự cường


    Bài này của Phạm-tuấn-Tài, một lãnh tụ của Việt-Nam Quốc-dân Đảng viết khoảng năm 1929. Ông người tỉnh Nam-định, làm giáo sư tại trường Đỗ-hữu-Vị Hà-nội.

    Năm 1925, ông cùng Nhượng-Tống Hoàng-phạm-Trân (người làng Phú-khê, huyện Ý-Yên, tỉnh Nam-định) lập Nam-đồng thư-xã, rồi năm 1927 cùng các đồng chí thành lập Việt-Nam Quốc-đan Đảng.

    Năm sau, vì bị tình nghi, ông phải đổi lên Tuyên-quang dạy học. Ở đây, ông thành lập một chi bộ. Năm 1929, ông bị bắt. Thực dân Pháp kết án 15 năm cấm cố rồi đày đi Côn-đảo.

    Năm 1936, ông được ân xá về, nhưng được vài tháng thì từ trần vì bị bệnh lao phổi do chế độ “văn minh” của nhà tù thực dân gây nên.


    Trông người lại ngẫm đến ta,

    Nín đi đứt ruột, nói ra nghẹn lời !

    Than ôi ! Cũng một kiếp người,

    Tủi thân trâu ngựa, thiệt đời thông minh !

    Trâu cày ngựa cưỡi !

    Nghĩ thân mình thêm tủi lại thêm thương !

    Cũng thông-minh tai mắt một phường,

    Người mắc ách, kẻ giong cương, kỳ quái chửa ?

    Thà rằng thể-phách như trâu ngựa,

    Khổ nỗi tâm-hồn khác cỏ cây.

    Nhìn giang sơn khi quắc mắt lúc cau mày,

    Tưởng nông nỗi đắng cay lòng tráng sĩ.

    Nước đời cay đắng bao nhiêu vị ?

    Giống ươn hèn càng nghĩ lại càng thương !

    Bảo nhau ta phải tự cường !



    Chiêu hồn dần ruộng


    Người Pháp sang cai trị Việt-Nam, họ nói là đem văn minh đi truyền bá cho dân tộc ta, và để mở mang nông nghiệp cho xứ này. Vậy họ đã hành-động ra sao ? Thực như thế không ?

    Để trả lời một cách xác đáng, chúng ta hãy đọc bài “Chiêu hồn dân ruộng” này của một nhà cách mạng tiền bối ở miền Nam nước Việt.

    Nhà cách mạng này là cụ Nguyễn-quang-Diêu hiệu Tử-Ngọc, bí danh Trần-cảnh-Sơn, sanh năm 1880 tại quận Cao-Lãnh tỉnh Sa-đéc. Năm 1990, cụ tham gia phong trào Đông-kinh Nghĩa-thục. Cụ xuất dương qua Tàu, nhưng đến năm 1913 thì bị thực dân Pháp bắt giải về Hà-nội, cụ bị chúng đem đày đi Guane (Nam-Mỹ). Ở đó hai năm, cụ vượt ngục sang Anh. Sau, cụ qua Tàu và bí mật về nước hoạt động lại. Cụ mất tại Tân-Châu (Châu-đốc) năm 1936.

    Bài này cụ viết vào khoảng năm 1928, 1929 và rất ảnh hưởng đến tinh thần cách-mạng của nông dân lúc ấy nên thực dân Pháp đã ra lệnh tịch thâu bài “Chiêu hồn” này và trừng trị những người nào tích trữ.


    Người Nam ta lạ là rất lạ,

    Nông nỗi này nghĩ đã biết không ?

    Mà còn mê mẩn tâm hồn,

    Mà còn hớn hở như phồn trẻ con.

    Hỏi đến nước mất còn chẳng biết,

    Kêu đến dân Nam-Việt chẳng thưa.

    Miễn no bữa sớm bữa trưa,

    Ngoài ra ai hiếp ai lừa mặc ai.

    Thấy nghèo đói than dài thở vắn,

    Có hỏi thời đổ hẳn cho trời.

    Biết đâu muôn sự trên đời,

    Kiết hung họa phước tự người làm ra.

    Thôi chẳng nói đâu xa lắc lắm,

    Nói việc nhà chú gẫm mà ghê.

    Suốt năm cấy mướn cấy thuê,

    Lúa đi đâu mất, tiền về tay ai ?

    Còn bề chú cả nhà đói rách,

    Chủ chú đành ngảnh mặt ngơ tai.

    Lúa tiền vay một trả hai,

    Cong lưng làm mọi cả đời không cơm.

    Đến đỗi chú đập rơm tẩy mót,

    Chủ chú quơ sạch bót chẳng chừa.

    Đó là tang tích sờ sờ,

    Thế mà chú lại đổ thừa trời sao ?

    Chú nghèo đói thế nào mặc kệ,

    Phép “quan trên” cứ lệ nỏ đầu.

    Thường năm nạp thuế đi xâu,

    Chú bằng trễ nải ở tù chai lưng.

    Một thân chú muôn phần hắt hủi,

    Chú tài gì chịu nổi được ai.

    Thế mà chú lại kêu trời,


    Trời nghe trời cũng buồn cười thế thôi !

    Cười vì chú không suy xét kỹ,

    Cứ đeo theo năn nỉ trời hoài.

    Xem tình trời cũng đeo đai,

    Trời liền chua xót phán sai mấy lời.

    Phán rằng : “Hỡi dân cày Nam-Việt !

    Khéo bơ thờ chẳng biết lo xa.

    Vì ai nên nỗi sút sa,

    Cứ theo trách lẫn trời già chẳng công.

    Cơ tạo hóa bay không thấu rõ,

    Ngỡ rằng ta xui khổ khiến cùng.

    Để ta bày hết thủy chung,

    Ngõ bay thấu rõ tấm lòng cao xanh.

    Lúc ta mới giáng sanh nhân loại,

    Định làm cho khỏi hại đói nghèo.

    Vun bồi ruộng đất phì nhiêu,

    Hóa sanh năm thóc mỹ miều xiết bao.

    Cả thế giới xứ nào xứ nấy,

    Ruộng đất trời cày cấy làm ăn.

    Cầm cân rất mực công bằng,

    Lo cho bay được đồng phần ấm no.

    Khốn vì phải những đồ gian ác,

    Từ Tây dương chiếm đoạt bao la.

    Của chung thu gọn của nhà,

    Nỡ lòng khắc bạc hành hà chúng bay.

    Ta thấy thế chau mày xót ruột,

    Định ra tay thay cuộc đổi đời.

    Làm cho khắp cả nơi nơi,

    Đất chung của sẵn như đời cổ sơ.

    Hiềm vì nỗi bay khờ khạo quá,

    Cứ cam tâm chịu ngã một bề,

    Tha hồ kẻ ép người đè,

    Đành thân trâu ngựa cam bề đắng cay.

    Ví bay chẳng đứa nầy đứa khác,

    Hiệp một đoàn liên lạc với nhau.

    Ra tay đuổi đánh quân thù,

    Còn chi lũ nó thị hào hiếp cô !( [2])

    Bởi trên có tham ô chính phủ,

    Bênh vực nhà điền chủ hiếp bay.

    Khoa trương gươm bén súng hay,

    Nào là tàu lặn máy bay thị cường.

    Chúng bay muốn trừ phường áp chế,

    Ta bày cho một kế rất mầu.

    Những là các hạng thuế sưu,

    Nó đòi bây cứ yêu cầu xin thương.

    Nếu mà nó thị cường ép bức,

    Chúng bay đồng kéo rốc nhau ra.

    Vợ chồng, con cái, mẹ cha,

    Đồng lòng kéo hết đến nha chịu tù.

    Chúng bay cứ đâu đâu cũng thế,

    Dẫu việc gì cũng dễ như ăn.

    Dại gì nằm bẹp chịu lằn,

    Mà không cựa quậy nói năng điều gì.

    Kìa chẳng thấy dân cày Ấn-Độ,

    Cũng cường quyền khắc khổ thể bay.

    Găng-Đi nóng ruột ra tay,

    Mở đường giải phóng tẩy chay bọn này.

    Kêu dân chúng hiệp bầy kết đảng,

    Đồng một lòng phản kháng Hồng-Mao.

    Xiết bao sôi nổi phong trào,

    Cường quyền hăm dọa chẳng nao núng gì.

    Các hạng thuế, thuế chi cũng mặc,

    Định làm cho bỏ bặt mới thôi.

    Tẩy chay vừa mấy năm trời,

    Hồng-Mao giờ phải nín hơi chịu mềm.

    Sao bay cứ êm đềm thế mãi,

    Muôn việc đều đổ vãi cho ta !

    Nhưng ta đã đạo làm cha,

    Nỡ nào thấy thế ngồi mà làm thinh !

    Đã lắm lúc hiện hình biết tướng,

    Để dẫn đường chỉ hướng cho bay.

    Hô hào suốt mấy năm nay,

    Vẫn trơ như loại cỏ cây vô tình.

    Bao nhiêu nỗi bất bình bay đó.

    Muốn phá mà nào có khó chi.

    Mưu ta cứ thế làm đi,

    Đồng lòng hiệp sức tức thì được ngay !

    Tội gì chịu đắng cay mãi mãi,

    Chẳng cất đầu ngó lại người ta.


    Kìa như dân ruộng Trung-hoa,

    Trước khi nó cũng sút sa khốn cùng.

    Cũng điều chủ lường công cướp việc,

    Cùng triều đình thuế nghiệt sưu cao.

    Tôn-Văn đứng trước hô hào,

    Bao nhiêu dân ruộng ồn ào nổi lên.

    Bèn vùng vẫy bao phen kịch liệt,

    Đuổi Mãn-Thanh trừ tuyệt cường quyền.

    Tóm thu ruộng đất chủ điền,

    Chia cho công chúng ở yên cấy trồng.

    Bởi vì nó đồng lòng hiệp sức,

    Mới thành ra khỏi cực khỏi nghèo.

    Bay đâu kẻ réo người kêu,

    Thế sao vẫn cứ nằm queo vậy hoài ?

    Mau đứng dậy làm liều một chuyến,

    Trên có ta điều khiển sợ gì.

    Tôn-Văn kia với Găng-Đi,

    Cũng ta biến hóa hộ trì chớ ai.

    Bay vốn cũng chân tay, đầu mắt,

    Cũng ruột gan, cũng mặt con người.

    Thế mà chẳng biết hổ ngươi,

    Khum lưng cúi óc cho người trèo lên.

    Làm đến nỗi nhơ tên dân Việt,

    Để nước ngoài kẻ nhiếc ngươi khinh.

    Chúng bay muốn cứu lấy mình,

    Biết câu trọng nghĩa khinh sinh([3]) mới là.

    Việc đời lẽ gần xa chỉ rõ,

    Chữ đồng tâm chớ có phôi pha.

    Thi hành cho đúng mưu ta,

    So cùng dân ruộng Ấn, Hoa kém gì.

    Đừng dùn thẳng bàn đi tính lại,

    Mà nghi nan rằng bại rằng thành.

    Ra tay liệt liệt oanh oanh,

    Phá tan giai cấp bất bình ngay đi.

    Huống nay đã gặp thì gặp thế,

    Dại gì ngồi mà để thất kỳ.([4])

    Mấy lời phán trước đơn trì,

    Chúng bay âu phải chép ghi vào lòng.”

    Lời Thượng-Đế vô cùng thâm thiết,

    Diễn ra đây cống hiến chư tôn.

    Nhờ tay truyền bá hương thôi,

    Gọi là ba bảy chiêu hồn nông dân.

    Cứu sống lại tinh thần tương ái,

    Tổ chức thành một dải đồng tâm.

    Ra tay rửa trắng thù thâm,

    Sao cho khỏi phụ thiên tâm mới là,

    Có trời mà cũng có ta...


    Vợ chồng nhà nông khuyên nhủ nhau


    Bài này cũng của cụ Nguyễn-quang-Diêu, tác-giả bài “Chiêu hồn dân ruộng” viết ra để tác động tinh thần tranh đấu của nông dân miền Nam, và cũng bị nhà cầm quyền Pháp nghiêm cấm mặc dù lời lẽ chỉ bóng gió mà thôi, chớ không có gì là xúc phạm nặng nề đến uy quyền của chúng.


    VỢ KHUYÊN CHỒNG


    Ngồi suy nghĩ kim lai cổ vãng,

    Nghề nông là căn bản nước ta.

    Kìa như Mỹ-lợi, Âu-la,

    Công thương phát đạt quốc gia phú cường.

    Đường kinh tế ngày càng mở rộng,

    Xưa cũng phường lao động nông gia.

    Khuyên anh liệu trước lo xa,

    Tư cơ sắp sẵn phòng ra cấy cày.

    Cũng chớ quản ngày cay muôn đắng,

    Cũng chớ nài dãi nắng dầm mưa.

    Rán mà thức sớm ăn trưa,

    Vải bô ấm cật, muối dưa đỡ lòng.

    Muốn năm giống gieo trồng tươi tốt,

    Dùng công dày sức tột mới xong.

    Lẽ nào làm có, ăn không,

    Cuối xuân cày sạ, sang đông thâu thành.

    Đừng có tính loanh quanh gì nữa,

    Rồi thành ra lầm lỡ thời kỳ.

    Vận nhà rủi gặp lúc nguy,

    Ra tay lao-động duy trì cho nhanh.

    Phần gạo nước đã đành có thiếp,

    Lúc rảnh rang sẽ tiếp tay cho.

    Giờ tuy bữa đói, bữa no,

    May ra bạc đống lúa kho khó gì.

    Đừng rụt rè thế suy lực nhược,

    Mà hỏng ngay phủ-ngưỡng đạo nhà.

    Than ôi ! con dại cha già,

    Đói cơm lạnh áo ai mà biết cho ?

    Hoàn cảnh lắm gay go đến thế,

    Cơ hội này nỡ để ngồi xem ?

    Đồng lòng hiệp sức cùng em,

    Đừng lo gánh nặng chớ hiềm đường xa.

    Vóc bồ liễu tuy là yếu đuối,

    Nguyện một lòng dong ruổi cùng anh.

    Sạch trừ sâu bọ cỏ tranh,

    Sao cho giống tốt kết thành quả ngon.

    Hễ có chi dời non cũng dễ,

    Khuyên anh đừng bỏ trễ thời gian.

    Ví dầu trời hạn nước tràn,

    Đấp bờ khai cống ta toan dự phòng.

    Đôi ta quả một lòng như thế,

    Tất sau này kinh tế mở mang.

    Thân già con dại an nhàn,

    Bấy giờ mặc sức thinh thang với đời.

    Trải gan mật mấy lời gắn bó,

    Ớ anh ơi ! Nghĩ đó mà coi.

    Đã chen đứng giữa đất trời,

    Làm trai âu phải đền bồi nợ trai.

    Phần trách nhậm ai ai cũng thế,

    Phận gái này ghé giữ một vai.

    Ôi thôi ! Chớ nghĩ dông dài,

    Con người phải chóng ở đời mới ru !

    Cây trồng tất phải có thu...


    CHỒNG KHUYÊN VỢ


    Buồn tha thiết nghe nàng khuyên nhủ,

    Bực nỗi nhà ủ rũ mặt mày,

    Nghĩ mình gặp lúc chẳng may,

    Não nề nếm đủ đắng cây mùi đời.

    Căm giận muốn vạch trời thử hỏi,

    Tội tình chi nghèo đói thế hoài.

    Ngày càng quẫn bách sinh nhai,

    Bát cơm manh áo biết ai trông vào.

    Nỗi cày ruộng không sao xiết kể,

    Mãi phải phường cậy thế cướp công.

    Phá rừng hoang khai lối sanh nhai.

    Ra tay bới gốc ruồng gai,

    Trừ cho tiệt giống thào-lai sạch sành.

    Quyền sanh hoạt tự mình chủ lấy,

    Ruộng đất ta ta cấy ta cày.

    Ví dầu muôn đắng ngàn cay,

    Khỏi điều ruộng mướn lúa vay thiệt thòi.

    Thế mới gọi vãn-hồi sanh hoạt,

    Thế mới rằng giải thoát lao-nông.

    Trong khi nước túng đường cùng,

    Nếu rụt rè mãi còn mong nỗi gì.

    Kìa chẳng nhớ đương khi Âu-chiến,

    Gái trai đồng gánh việc quân doanh.

    Sau khi chiến cuộc kết thành,

    Nữ quyền phát đạt nổi danh toàn cầu.

    Nước đã thế nhà âu cũng thế,

    Nhà chẳng tề nước dễ gì an.

    Cho hay những khách hồng-nhan,

    Truân chuyên làm quán, giang sang làm nhà.

    Thôi chớ nghĩ gần xa gì mãi,

    Mau đứng lên chuyển bại làm thành.

    Muốn cho giải thoát nhân dân,

    Liều đem son phấn hy sinh mới là.

    Kém gì phụ nữ người ta !


    Sà-lim oán


    Trong thời kỳ thực dân và phong kiến cấu kết với nhau trên đất Việt-Nam này, đối với dân ta thật không có tội gì nặng hơn là tội dám yêu nước.

    Cho nên, những ai yêu nước mà bị lọt vào tay chúng thì không khác chi lọt vào tử địa, là sa vào nanh vuốt cọp beo, khó lòng mà thoát khỏi, vì không lên đoạn đầu đài thì cũng bị rừng thiêng nước độc hay Côn-Loon, Lao-Bảo, mà tới đâu cũng là “một đi không trở lại” như cảnh tráng sĩ Kinh-Kha khi qua sông Dịch-Thủy.

    Nhưng thế thì thế, những con người cách mạng vẫn xem thế là thường, và kết quả bạo lực của chúng vẫn không bao giờ, cũng không thể tài nào làm tắt được lòng yêu nước của người dân Việt-Nam, mặc dù người dân Việt-Nam trong suốt 80 năm qua đã bị chúng giam cầm, giết chóc không biết đến bao nhiêu mà kể cũng chỉ vì cái tội đã làm người yêu nước.

    Nay nhắc lại, hẳn chúng ta cũng muốn biết họ đã giam cầm những người vì “tội yêu nước” như thế nào, và tâm sự của những người này ra sao ở trong cảnh nhà lao “văn-minh” của người Pháp cai trị.

    Vậy, chúng ta hãy đọc bài “Sà-lim oán” này của một nhà cách mệnh viết ở ngục thất Hỏa-lò Hà-nội vào khoảng năm 1930, tức Vũ-văn-Cảo, người làng Đồng-tải, huyện Yên-lão, tỉnh Kiến-an, Bắc-Việt.


    Ngoài ngục thất mưa dồn gió dập,

    Trong sà-lim ruột đứt lòng đau.

    Ai ơi có thấu cơ mầu,

    Thân này hỏi với ngục sâu tội gì ?

    Xót nòi giống cớ chi đeo vạ ?

    Tức non sông ai chả một lòng,

    Sao mà bới vết tìm lông ?

    Làm cho rẽ Lạc, chia Hồng chưa thôi !

    Thần công lý bên trời lẩn mất,

    Quỷ văn-minh chật đất làm càn !

    Biết đâu mà giải nỗi oan ?

    Đã đày đọa nước lại tan nát nhà !

    Nơi cố lý mẹ già thêm ngại,

    Chốn tha hương vợ dại càng lo !

    Con thì trứng nước ngây thơ,

    Nhà không có nóc bây giờ ở đâu ?

    Trên chín chữ cao sâu lỡ nghĩa,

    Nghĩa trăm năm hương lửa chưa tròn.

    Đạo thường lỗi cả với con,

    Cái thân đến thế thân còn ra chi ?

    Bịt đôi mắt tường vi bốn mặt,

    Bó hai chân cùm chặt bốn phương.

    Tháng ngày chết một gian buồng,

    Nước non thu lại một chuồng ngựa trâu.

    Miệng chưa trải cá rau oan trái,

    Mũi không quen cứt đái phong trần.

    Sói hùm kề gửi chiếc thân,

    Biết bai thảm, nhục với quân bạo tàn !

    Thảm nhất lúc dao hàn cắt ruột,

    Nhục nhất khi lửa nhiệt đốt da.

    Trông người đã đỏ mắt hoa,

    Mặt mình còn có một mà nào nhìn ?

    Thảm nhất lúc mong tin chẳng có,

    Nhục nhất khi ngửa cổ trông trời.

    Trông trời nào thấy đâu trời ?

    Người hàng dây điện một vài lá rung.

    Thảm nhất lúc soi khung cửa chớp,

    Nhục nhất khi thấy nước da chì.

    Râu ria như đuổi xuân đi,

    Tiếc xuân ta những nặng vì nước non !

    Còn nỗi nhục, nhục khôn xiết tả.

    Nhục bao nhiêu người hả bấy nhiêu !

    Tội gì mà lại đặt điều,

    Thân sao đã đủ trăm chiều nhục chưa ?

    Thảm nhất lục nắng mưa thui thủi.

    Nhục nhất khi chịu chửi xời xơi.

    Tận từ người chẳng tiếc lời,

    Nghĩ thân vô tội giận đời bất lương.

    Thảm nhất lúc thân truồng như nhộng,

    Nhục nhất khi kiếp sống ngựa trâu.

    Ra vào cắm mặt cắm đầu,

    Cúi luồn cả bọn quân hầu, quân sai,

    Nhục nhất lúc thầy cai, quan quản.

    Xịch cửa vào lục khám trước sau.

    Giang san nào có gì đâu !

    Cái thìa cái bát cũng thâu đem trình.

    Thảm nhất lúc có mình với bóng,

    Nhục nhất khi có bóng theo mình.

    Sớm khuya ôm khối u tình,

    Tháng ngày thêm mối bất bình càng lo !

    Lệ hưng phế chưa khô mặt đất,

    Sóng tang thương còn ngất ngang trời.

    Sống còn khổ lắm ai ơi,

    Mà thân hèn yếu là đời lao lung.

    Ngẫm thế sự càng nung thân thế,

    Ngắm cơ đồ như xé tâm can.

    Giết người là lũ gian ngoan,

    Làm cho xẻ nghé, tan đàn như chơi !

    Đập song sắt hỏi người ngộ nạn,

    Giận sà-lim nhắn bạn hàm oan.

    Giang san này vẫn giang san,

    Mà nay còn giữ hương tàn còn thơm ?


    Ngoảnh mặt về Nam


    Đã gọi là con người yêu nước thì dù xa quê hương đến đâu và có làm gì được phong lưu về vật chất đến đâu, cũng không có giây phút nào khuây đi được nỗi lòng cố quốc.

    Cáo chết ba năm quay đầu về núi. Con ngựa Tiêu-sương khi sang đất Tống cũng còn dậm vó nhớ đất Lương. Loài vật còn thế, huống chi con người là giống khôn ngoan hơn tất cả.

    Nhắc đến đây, chúng tôi lại nhớ đến một tiệm ăn của người Hoa-kiều ở Chợ Cũ (Saigon) trước đây có treo một bức đại tự đề sáu chữ : “mỗi phạn vật vong Tổ quốc” nghĩa là “mỗi bữa cơm ăn, đừng quên nước Tổ”.

    Nhưng đó là truyện của người Trung-hoa, người Trung-hoa đi làm ăn buôn bán ở hải ngoại.

    Còn người Việt-Nam ta, và người Việt-Nam vì lòng yêu nước phải xa nơi đất Tổ. Những người này có bao giờ quên nghĩ đến tình cảnh cực khổ của giống nòi không ?

    Chúng tôi xin đáp : Không bao giờ quên cả. Những người đi tha phương cầu thực còn không thể quên được huống chi là những người đã nguyện đem cả thân mình để dâng cho đất nước.

    Muốn biết rõ tinh thần ấy của những bực người đáng tôn đáng kính ấy, chúng ta hãy đọc bài “ Ngoảnh mặt về Nam” này của cụ Hồ-ngọc-Lãm viết ở Trung-Quốc năm 1931. Cụ là một nhà cách mạng của dân tộc ta. Trước cụ có ở Nhật (hình như có tốt nghiệp trường













    [1] Vì nước quên mình.

    [2] Thị hào hiếp cô là cậy mạnh hiếp yếu.

    [3] Trong điều nghĩa, coi thường sự sống.

    [4] Tức thất cơ, bỏ mất cơ hội.
  • Chia sẻ trang này