Bị Quốc dân đảng Trung Quốc bắt
« Tháng 7-1942, Bác lại đi ra ngoài, với mục đích gặp Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Nhưng danh nghĩa thì Bác là đại biểu của hai đoàn thể Việt Nam độc lập đồng minh và Hội quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội, đi gặp Tưởng Giới Thạch. Lúc đó Bác bắt đầu dùng tên Hồ Chí Minh. Bác có tấm danh thiếp giữa in Hồ Chí Minh, một bên in tân văn ký giả, một bên in Việt Nam Hoa kiều. Từ Lam Sơn lên Pắc Bó hơn 50 cây số, Bác đi ban ngày. Anh Lê Quảng Ba làm giao thông cho Bác đi trước. Bác ăn mặc quần áo Nùng, cầm gậy giả làm người mù đi sau. Mắt Bác nhấp nháy luôn, hệt như người mù. Trước khi đi, Bác còn viết nhiều bài báo để lại giao cho anh Đồng đăng dần.
Ra khỏi biên giới thì lấy một đồng chí Trung Quốc đi với Bác. Đồng chí đó không có giấy tờ gì, bị khám xét rồi bị bắt, và Bác cũng bị bắt theo. Đồng chí đó bị giam cùng một chỗ với Bác, rồi bị chết ở trong tù. Có lần đồng chí Cáp ở trong nước đi liên lạc, nghe người ta nói «người đi với Ông đó chết rồi » lại nghe ra « Ông đã chết rồi», vội vã chạy về khóc lóc. Đoàn thể ta rất hoảng, nhưng không tin Bác có thể chết, nên cho đi nghe ngóng lại, mới vỡ nhẽ là tin sai. Bác bị bắt hơn một năm. Trong tù, Bác vẫn tìm cách gửi được thư về. Thư viết bằng nước cơm lên rìa những tờ báo. Về bôi canh-ky-dốt vào thì chữ nổi lên. Thư nào cũng dặn dò đừng vì Bác bị bắt mà để bê trễ công việc. Bác báo tin Bác vẫn khỏe để an ủi anh em, khuyên gặp khó khăn thì kiên quyết vượt khó khăn mà làm. Cuối bức thư bao giờ cũng có một bài thơ, đầy tin tưởng lạc quan.
Trong đời hoạt động của Bác, lần bị bọn Tưởng bắt là lần Bác khổ nhất. Bọn Tưởng giải Bác đi hết nhà tù này đến nhà tù khác. Bác phải chịu đựng mọi nỗi gian nguy của chế độ nhà tù đen tối nhất, đến nỗi chân Bác yếu đi, mắt Bác mờ đi. Nhưng trí Bác vẫn sáng, lòng Bác không sờn. Tay trói, cổ xiềng, dầm mưa giãi nắng, Bác vẫn lạc quan, tin tưởng ở cách mạng thắng lợi. Chính trong thời gian này, Bác đã làm tập thơ « Nhật ký trong tù » rất quý báu cho chúng ta ngày nay.
Ở nhà thì các đồng chí lo ngày lo đêm. Bác sa vào tay một bọn ngu xuẩn và hung ác, làm sao cho được an toàn ? Rất có thể là Bác giàu kinh nghiệm đấu tranh, bọn chúng không làm gì nổi, nhưng cũng rất có thể là chúng sợ Bác mà tìm cách ám hại Bác. Trong nước liền chủ trương vận động quần chúng cứu quốc và các Việt kiều ở hải ngoại đòi bọn Tưởng phải trả lại tự do cho «nhà cách mạng chống phát xít lão thành» của ta.
Quả nhiên chúng không hại được Bác, nhưng chúng đã giải Bác đi như thế trong hơn 80 ngày. Giam giữ Bác 14 tháng trời trải qua gần 30 nhà tù của Tưởng.
Tới Liễu Châu chúng phải trả tự do nhưng lại quản chế Bác. Ở đó Trương Phát Khuê lại lập Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Bác cũng gia nhập Hội để công khai hoạt động cho cách mạng.
Lúc ở tù cũng như ở giam lỏng, Bác không ngừng hoạt động cho cách mạng một phút nào. Bác lợi dụng điều kiện cụ thể, viết các bài đăng trong báo chí của Đệ tứ chiến khu để phổ biến tình hình trong nước. Bác quyết tâm khắc phục những bệnh tật mà chế độ nhà tù đã để lại trong cơ thể Bác. Bác tập leo núi để chữa chân tê thấp, tập nhìn bóng tối để chữa mắt mờ. Ý chí quyết làm cho cách mạng Việt Nam thắng lợi đã giúp Bác thắng bệnh tật.
Ít lâu sau, thoát sự quản chế ở Liễu-Châu. Bác trở về Pắc Bó. Lúc đó là tháng 9-1944...»[1]
*
* *
«... Trong khi nhân dân Liên-xô anh em đang dốc hết lực lượng vào cuộc kháng chiến thần thánh, khi phát-xít Nhật - Pháp đang hoành hành ở Việt Nam, khi đồng bào ta đang quằn quại dưới hai ách áp bức, khi công việc Đảng và Mặt trận Việt Minh đang nhanh chóng lan rộng ăn sâu vào quần chúng nhân dân - mà mình thì phải nằm còng queo trong một phòng giam của bọn phản động Trung Quốc, sót ruột biết bao! Đây không phải là một trại giam chính cống, mà chỉ là một « cấm bế thất» - một phòng giam nhỏ ngay bên cạnh đội cảnh vệ của tướng Trương Phát Khuê. Chỉ một mình Bác bị nhốt ở đó. Lâu lâu mới có một vài sĩ quan Quốc dân đảng bị phạt vào ở đó năm, bảy ngày. Bác lợi dụng những dịp đó để học tiếng «quan».
Bác gây được cảm tình với vài người lính gác. Mỗi bữa ăn xong còn thừa rau bí luộc, họ đưa cho Bác để «cải thiện sinh hoạt» phần nào. Điều tốt nhất là mỗi ngày họ bí mật quẳng vào cho Bác một tờ Liễu Châu nhật báo, đó là món ăn tinh thần. Nhờ đó mà Bác theo dõi được tin tức chiến sự.
Tháng hai 1943, xem thấy tin: Sau hơn sáu tháng chiến đấu vô cùng anh dũng, Hồng quân đã đại thẳng ở Sta-lin-grát, suýt đụng đầu vào kèo phòng giam, Bác tự bảo nhất định phải ăn mừng cuộc thắng lợi này. Trong túi chỉ còn vẻn vẹn 1 đồng bạc, Bác đưa tuốt cả số tiền đó nhờ người lính gác mua giùm cho ít kẹo và « dàu chả quầy » (mua 1 đồng chỉ được 5 hào, đó là quy chế của nhà giam), để làm một bữa tiệc. Sau khi phấn khởi hô khe khẽ mấy khẩu hiệu: Đảng Bôn-sơ-vích muôn năm! Hồng quân muôn năm! Liên-xô thắng lợi muôn năm! Bác ngồi xuống một mình « chén tạc chén thù » rất đàng hoàng vui vẻ. Từ đó về sau, mỗi tin tức Liên-xô thắng lợi là một món quà tinh thần từ phương xa đến để an ủi Bác. Mười mấy tháng bị nhốt trong cái phòng u ám và quạnh hiu, một hình một bóng, không được nói chuyện với ai, không có việc gì làm. Muốn «du lịch» thì đi dọc chỉ năm bước, đi ngang bốn bước. Đề «tiêu khiển» ngày giờ, chỉ còn cách nghêu ngao, vắn tắt ghi lại sinh hoạt của người ở tù cho khuây khỏa thế thôi, phải thơ phú gì đâu...
Khi được thả ra, mắt Bác nhìn kém, chân bước không được, Bác quyết tâm tập đi, mỗi ngày mười bước, dù đau mà phải bò, phải lết, cũng phải được mười bước mới thôi. Cuối cùng Bác chẳng những đi vững mà còn trèo được núi. Lần đầu tiên lên đến đỉnh núi, Bác cao hứng làm một bài thơ chữ Hán như sau:
« Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân,
Giang tâm như cánh lĩnh vô trần.
Bồi hồi độc bộ Tây-phong-lĩnh,
Nam vọng trùng dương ức cố nhân.»
Bác chỉ nhớ bài thơ đó. Chúng tôi cố hết sức chỉ tạm dịch như thế này:
« Mây ôm núi, núi ôm mây,
Lòng sông sạch chẳng mảy may bụi hồng.
Bùi ngùi dạo đỉnh Tây-phong,
Trông về cố quốc, chạnh lòng nhớ ai! ».[2]
« Mùa xuân năm 1943 gia đình chúng tôi ở Quế Lâm (Quảng Tây - Trung Quốc) bỗng một hôm chị tôi nhận được một lá thư nhỏ từ trong nước gửi qua:
Dược Lan !
Lão đồng chí tên Hồ Chí Minh, người cao gầy, trán rộng, mắt sáng bị mất tích ở biên giới có lẽ đang nằm trong nhà tù Quốc dân đảng...
Nghe đọc thư mẹ tôi nói ngay: Mẹ chưa nghe tên đồng chí Hồ Chí Minh bao giờ, nhưng với đặc điểm được kể trong thư mẹ đoán chắc đây là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Thế rồi mẹ tôi và chị tôi cùng nhau bàn cách đi tìm lão đồng chí Hồ Chí Minh.
Thế rồi trong suốt mấy tuần lễ liền, chị tôi tìm cách làm quen với bọn lính và sau đó đã khéo léo nhờ được một tên đặc vụ Quốc dân đảng giúp đỡ, chị tôi đã đi đến tất cả các nhà tù của Quốc dân đảng ở Quế Lâm mà vẫn chưa tìm được tăm hơi gì.
Mẹ tôi đã bí mật báo tin cho một số cơ sở trong tỉnh Quảng Tây để cử người đi tìm.
Sau đó một thời gian có người đến tin cho mẹ tôi biết cụ Hồ Chí Minh đang ở Liễu Châu. Mẹ tôi lập tức đi ngay lên Liễu Châu để tìm gặp Người.
Với chuyến đi đó mẹ tôi đã khẳng định được người mang tên Hồ Chí Minh hiện nay chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc tiếng tăm lừng lẫy trước đây. Mẹ tôi đã báo cáo với Người về việc ở nhà đang ra sức tìm kiếm Người...
Chuyến đi thăm Người lần thứ hai, chị tôi đi cùng với mẹ tôi và mãi đến chuyến đi thứ ba ở lại Liễu Châu lâu hơn, mẹ tôi mới cho tôi đi theo. Năm đó tôi vừa tròn mười hai tuổi.
Đến Liễu Châu mẹ tôi dẫn tôi đến một căn phòng khá rộng giữa để một bàn dài, hai bên là hai chiếc giường cá nhân. Mẹ tôi vừa bước vào cửa mọi người đều đứng dậy chào đón hết sức niềm nở. Mọi người đều nói với nhau bằng tiếng Trung Quốc, song quan sát kỹ tôi đã nhận ra ngay, tất cả đều là người Việt.
Tôi đang cố tìm xem trong số những người ngồi đó ai là cụ Hồ Chí Minh, thì bỗng từ ngoài cửa bước vào một ông cụ người cao, gầy, vừng trán rộng, đôi mắt sáng, dưới cầm điểm một chòm râu thưa rất đẹp. Người nở một nụ cười vô cùng hiền hậu nhìn tôi và kéo tôi vào lòng hỏi chuyện. Tôi thấy ông cụ là người đẹp nhất ở đây và tôi tin chắc rằng đây là cụ Hồ Chí Minh mà mẹ tôi đã nói đến.
Tôi đã đoán đúng. Cụ già đẹp nhất ấy chính là Bác Hồ kính yêu của chúng ta.
Mẹ con chúng tôi ở lại Liễu Châu một thời gian, thỉnh thoảng lại được gặp Bác ở khu nhà này hoặc theo mẹ đến tận nơi Bác ở.
Đó là một căn gác hẹp. Bên trong có đặt một cái giường con, trên có một chiếc chăn mỏng, kê sát cạnh giường là chiếc bàn làm việc. Trên bàn để mấy cuốn bet365 việt nam_tỷ số trực tuyến bet365_bet365 như thế nào. Bác leo cái thang gỗ lên xuống rất nhanh nhẹn. Bác thường mặc bộ quần áo đã bạc màu nhưng sạch sẽ và lành lặn. Bác thường đi chân không, có một đôi giầy dạ cũ nhưng khi cần thiết Bác mới dùng. Một buổi trưa tôi đến với Bác thấy cái quần len mỏng màu xám duy nhất của Bác đã rách ở hai đầu gối, tôi đòi Bác cho mạng lại. Tôi ngồi từ trưa đến chiều mạng rất cẩn thận, tôi sung sướng được Bác khen. Và chính trong buổi trưa hôm đó tôi được Bác hỏi chuyện:
- Trong các môn học cháu thích nhất môn gì?
Tôi trả lời:
- Cháu thích âm nhạc và mơ ước được học âm nhạc.
Bác gật đầu và kể chuyện các nhạc sĩ Bét-tô-ven, Sô-panh cho tôi nghe. Tôi không ngờ rằng cái mơ ước xa vời của con bé lưu lạc như tôi lúc đó, nhờ có Bác nên đến nay đã thành sự thật.
Hồi đó Bác xưng với chị em tôi là chú với cháu. Chị tôi không dám hỏi, bảo tôi hỏi Bác:
- Tại sao cụ lại xưng chú với cháu?
Bác cười và trả lời giản dị:
- Tại vì chú ít tuổi hơn thầy cháu.
Tôi tròn xoe mắt ngước nhìn Bác, Bác cười như xua nỗi thắc mắc ngây thơ của tôi.
Hồi ấy Bác xanh gầy, răng bị rụng nhiều chiếc, mắt nhìn cũng bị kém đi, đấy chính là thời gian sau khi Bác bị bắt và bị giam cầm trong nhiều nhà tù của bọn Quốc dân đảng. Để lấy lại sức khỏe, ngày nào Bác cũng dậy từ sáng tinh mơ: leo núi, tập thể dục, tập nhìn xa để luyện mắt và bơi lội, trăm ngày như một kể cả những ngày mùa đông giá rét ở Liễu Châu.
Đến thăm nơi Bác ở tận mắt nhìn thấy ngọn núi và dòng sông cách nhà Bác không xa mà sau này tôi đã được gặp lại trong bài thơ «Mới ra tù», «Tập leo núi» của Bác:
«Bồi hồi dạo bước Tây-phong-lĩnh
Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa».
Hồi bấy giờ tôi còn trẻ con quá, được Bác chiều tôi làm tình làm tội Bác, hỏi Bác đủ điều. Tôi đòi Bác dạy Thái cực quyền, dạy tôi nói «Chào đồng chí» bằng tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp. Có hôm được Bác dắt đi chơi ở một phố vắng, Bác mua cháo quẩy và sữa đậu nành cho tôi ăn, mặc dầu đời sống vật chất của Bác lúc bấy giờ còn rất thiếu thốn.
Chị tôi kể lại: Bữa ăn của Bác chỉ có mấy bát cơm gạo lứt (gạo xay chưa giã) với xì dầu loại rẻ tiền. Tuy vậy bữa cơm nào Bác cũng cố gắng ăn đúng ba bát để bảo đảm sức khỏe. Hôm nào đi ăn cơm Bác cũng nhớ mang theo một lọ ớt khô.
Thấy sinh hoạt của Bác quá ư thiếu thốn mẹ tôi đem biếu Bác một ít thứ lặt vặt, nhưng nài ép thế nào Bác cũng không nhận. Thế mà không hiểu tự đâu Bác lại biết tôi thiếu một cái áo đồng phục học sinh.
Bác bắt tôi nhất định phải nhận số tiền mà Bác dành dụm được để tôi may áo trong khi chiếc khăn mặt của Bác đã rách, Bác chưa dám bỏ nó đi để mua chiếc khác.
Đầu năm 1944, giặc Nhật sắp tràn xuống Liễu Châu. Bác cùng một số đồng chí chuẩn bị về nước hoạt động. Mẹ tôi và chị tôi xin Bác được về cùng, song Bác khuyên ráng chờ một thời gian nữa vì lúc bấy giờ chị tôi đang bị bệnh lao phổi, cần có thời gian và điều kiện đề điều trị.
Trong bữa cơm liên hoan chia tay, tôi kính tặng Bác một chiếc khăn nhỏ, một chiếc bút chì xanh đỏ và một chiếc thước nhựa. Bác chỉ nhận thước và bút chì...»[3]
Trở lại Côn Minh
«Cuối năm 1944, Hồ Chủ tịch từ trong nước có việc sang Côn Minh. Bác sống ở nhà tôi trong mấy tháng. Mãi mãi sau này tôi còn nhớ những ngày được gặp Bác lần ấy. Bây giờ ngồi kể lại, tôi cứ bồi hồi như đang nâng niu trong tay vật gì thiêng liêng quý báu lắm, chỉ sợ sểnh tay không giữ được trọn vẹn. Tôi chỉ sợ nhớ không được hết, ghi không được đúng hình ảnh Bác trong những ngày đầy ánh sáng ấy của đời tôi.
Bác tới vào một buổi chiều mùa đông. Cảm giác đầu tiên của tôi là thấy Bác gầy quá. Đôi mắt Bác vẫn trong sáng, hiền từ như thế, nhưng đôi gò má của Bác cao lên. Da Bác không được đỏ đắn, tóc Bác đã bạc nhiều... Bác mặc một bộ quần áo nhuộm chàm phai màu; trời rét, Bác khoác thêm một cái áo bông ngắn sờn vai. Lúc tới, Bác đi đất, đầu đội một cái mũ vải cũng nhuộm chàm.
Nhà tôi là một tiệm cà-phê. Hồi ấy tôi chưa được tổ chức, mới còn là một cảm tình, nhà tôi là một cơ sở hoạt động của Đảng ở Côn Minh. Tôi thu xếp mời Bác nghỉ trong một căn buồng trên gác, một căn buồng chật hẹp, chỉ để kê một cái giường Bác nằm và một cái bàn Bác làm việc, nhưng có một khung của sổ. Thu xếp xong chỗ nghỉ cho Bác, chúng tôi soạn lại hành lý của Bác. Việc này phải nhờ mấy anh cùng đi với Bác - anh Phùng Thế Tài và một đồng chí thiểu số lúc ấy tên là Minh. Thực ra cũng chẳng có gì mà soạn. Hay nói cho đúng, những thứ Bác mang theo đều nên bỏ, nên thay cả kể từ cái khăn mặt đến cái ống đựng thịt muối. Cái khăn mặt của Bác nhuộm chàm bạc thếch đã rách gần hết. Đôi giầy của Bác mang theo càng rách hơn, Bác đi đến nỗi lòi cả chân ra. Còn ống thịt muối? Hai anh Phùng Thế Tài và Minh ngày ấy còn rất trẻ. Các anh mở nắp ống thịt muối ra, lắc đầu kể lại cho chúng tôi nghe về « món thịt », vì thực tình đến chín phần muối mới có một phần thịt. Dọc đường vượt biên giới, mỗi ngày đi bộ, đến nơi phải nấu ăn, người nấu niêu cơm, người đi hái rau rừng, muối ấy và vài miếng thịt bỏ vào nấu canh. Ăn được nhiều, ít, Bác vẫn theo kịp hai anh đường trường, dốc núi. Hành lý của Bác, đáng kể nhất là ống thịt muối ấy. Nhưng cả ống thịt muối, chúng tôi cũng muốn bỏ đi, khi nào Bác về sẽ làm ống khác.
Bác không cho làm thế, không cho vứt bỏ thứ gì cả, Bác bảo: đồng bào, các đồng chí ở nhà còn khổ, những thứ ấy còn dùng được nhất là ống thịt muối, không nên phí phạm. Cùng lắm Bác mới cho mua đôi giầy vải. Lúc nhà tôi đi mua, Bác còn dặn mua đôi ít tiền bằng vải thường thôi. Chiếc khăn mặt mua về, Bác lại đem nhuộm xanh, còn đôi giầy vải, Bác phê bình nhà tôi đã mua một đôi loại kha khá.
Đường xa lâu ngày, lại lội suối, leo núi, Bác tới nơi thì mệt. Bác không cho đưa đi bệnh viện, sợ có những việc bất trắc. Bác chỉ cho nhà tôi mua vài ống thuốc tiêm; rồi hàng ngày tiêm cho Bác. Cũng may sao, chỉ một tuần sau, Bác bình phục và bắt tay vào công việc.
Thời gian Bác lưu lại Côn Minh khoảng gần ba tháng. Suốt ba tháng ấy, sinh hoạt hàng ngày của Bác rất nền nếp, đều đặn. Chúng tôi bảo nhau có thể cứ xem lúc nào Bác làm gì là biết mấy giờ, không cần phải xem đồng hồ.
Ngoại ô Côn Minh có những con mương dẫn nước vào ruộng, hai bên bờ mương trồng những rặng thông dài, cao vút. Hàng ngày, Bác dậy từ năm giờ sáng, ra đấy tập thể dục. Bác chạy mãi dọc theo rặng thông, lượt trở về, Bác vừa đi vừa thở... Đến bảy giờ, hôm nào Bác cũng xuống giúp đỡ cửa hàng. Cửa hàng của tôi thường đông khách nhất vào buổi sáng, mấy anh em tôi tất bật không kịp, Bác xuống đứng đỡ ở tủ bánh mì, bán giúp chúng tôi cho đến lúc thưa khách. Khách mua bánh mì hàng ngày, lâu dần đến quen mặt, họ xì xào với nhau: « không biết Vương Minh Phương tìm đâu được người cha già phúc hậu thế».
Thấy Bác gầy quá, chúng tôi muốn chăm lo thức ăn hàng ngày cho Bác, nhưng Bác chả ăn gì. Mỗi sáng, nồi sữa tươi đun lại, nhà tôi hớt lấy váng múc một cốc Bác xơi. Bác dần dần khỏe ra, chúng tối rất sung sướng nhìn cánh tay Bác rắn chắc. Anh Minh cùng đi với Bác kể chuyện lại có thời kỳ Bác luyện võ, Bác đẽo một hòn đá tròn vừa tay nắm, cứ thế hàng ngày Bác bóp hòn đá trong tay thật mạnh như muốn bóp vỡ ra, đôi khi cả trong lúc làm việc... Những ngày ở Côn Minh, Bác không còn luyện tay nắm đá nữa, nhưng nhìn cánh tay Bác, chúng tôi rất mừng.
Trong thời gian này, nhiều lần Bác và chúng tôi dậy từ bốn giờ sáng. Bác nói chuyện về tình hình, Bác dạy dỗ chúng tôi về đạo đức cách mạng, Bác tiếp xúc với kiều bào, với chính khách; Bác chơi đùa với các cháu thiếu nhi. Có những cháu, Bác chỉ gặp một lượt, nhưng ba năm sau, một lần gặp tôi, Bác còn nhớ tên, hỏi xem cháu đã lớn từng nào.
Những ngày rảnh việc, chúng tôi mời Bác đi thăm phong cảnh Côn Minh. Đi xa hàng hơn mười cây số, Bác vẫn đi bộ, từ chối cả ô-tô hàng, cả xe ngựa. Có lần chúng tôi mời Bác đi thăm chùa Hoa cách Côn Minh bốn cây số; ở đây có ngôi chùa cổ, có cả khu vườn rộng mấy mẫu đất, trồng đủ hàng trăm thứ hoa, mùa nở rộ, rực rỡ như cánh tiên. Lại có lần chúng tôi mời Bác đi thăm chùa Đông, thăm Hắc Long đàm, cách Côn Minh hơn mười cây số. Đó là một cái đầm rộng người ta đồn đại rằng ngày xưa có con rồng đen xuống tắm. Ở đây cũng có ngôi chùa, lại có gốc thông cổ thụ lớn hàng bốn tay ôm, Bác nghỉ trưa tại đây, dưới gốc thông. Bác ăn cơn nắm với chúng tôi rồi Bác tìm một gốc cây có cành xòa xuống mặt đầm, ken nhau như mắt võng, Bác ngả lưng nghỉ trưa. Chúng tôi nhìn Bác nằm, bình dị lạ thường, nhưng trong sự bình dị ấy lại thấy cả một tấm gương sáng của sự rèn luyện, của một ý chí lớn toát ra từ trong từng việc rất nhỏ. Sau ngót ba tháng làm việc ở Côn Minh, Bác lại lên đường về nước, chúng tôi lại làm một ống muối thịt y như cái ống của Bác khi ra đi... »[4]
[1] Vũ Anh, «Từ Côn Minh đến Pắc Bó», trong tập «Bác Hồ», Nhà xuất bản Văn học, năm 1960.
[2] T. Lan, « Vừa đi đường vừa kể chuyện », Nhà xuất bản Sự thật, năm 1963.
[3] «Nhớ Bác»... Hồi ký của Mộ La.
[4] Tống Minh Phương. « Ở Côn Minh », trong tập «Bác Hồ », Nhà xuất bản Văn học, năm 1960.
Separate names with a comma.