PDF
GoogleDocs
[TABLE][TR][TH][MEDIA=googlepdf]0B8u3u3RsOCT9N08ydnJySTdsS1E[/MEDIA][/TH][TH][MEDIA=googledocs]1RdcATfUboiq4miVJWWTMKfvJ9qa-H7CL59WMKQZQLGo[/MEDIA][/TH][/TR][/TABLE]
Ô-mã-Nhi lại sai quân ra đào, quân ra đến nơi thì thấy vết đào hôm trước, lại lấp nguyên như cũ, lấy làm kinh hãi ; nhưng vì phụng tướng lịnh không dám trái, lại phải đem thuổng cuốc xúm vào phá gạch đào đất. Đang hì hục đào thì lại thấy giời u ám, gió thổi ù ù, sấm chớp mưa to, sét đánh luôn ba bốn tiếng, lại chết mất năm, sáu người.
Quân sĩ chạy về báo với Ô-mã-Nhi. Ô-mã-Nhi kinh hãi vô cùng, ngồi ngẫm nghĩ một hồi, không biết dùng cách gì mà đào cho được. Đêm hôm ấy Ô-mã-Nhi nằm nghỉ trong trướng, mơ mơ màng màng, bỗng thấy một tướng to nhớn, mặt mũi hung ác, mình mặc áo giáp vàng, tay cầm lưỡi tầm sét, mắm miệng trợn mắt, bước sấn vào trong trướng, thét lên rằng :
- Ta phụng mệnh thượng-đế sai giữ Chiêu-lăng, mày sao dám đến xâm phạm? Tội mày đại ác, mai sau quyết không tránh khỏi lưới giời !
Nói đoạn, cầm lưỡi tầm sét bổ vào đầu Ô-mã-Nhi một cái. Ô-mã-Nhi kinh hồn hú lên một tiếng, giật mình tỉnh dậy, ngồi run một giờ lâu mới hoàn hồn.
Ô-mã-Nhi tỉnh rồi, trên đầu nghe vẫn tê buốt. Nghĩ ngấm trong giấc chiêm bao, biết là vận nhà Trần còn vượng, có linh thần ủng hộ, từ đó không dám sai quân đào nữa, muốn rút quân về với Thoát-Hoan.
Hôm sau, Ô-mã-Nhi thu xếp cất quân xuống thuyền về ra mắt Thoát-Hoan, thuật lại truyện trước. Thoát-Hoan nửa tin nửa ngờ, muốn sai quân lại đào lượt nữa.
Tích-Lệ can rằng :
- Việc ấy huyền hoặc thế nào không biết, nhưng tôi thiết tưởng đại-quân chỉ nên đánh lấy Thăng-long, bắt được thủ-tướng nhà Trần là đủ định xong Nam-quốc, can gì phải giận lây đến một nắm xương khô?
Thoát-Hoan nghe nói có nhẽ mới thôi.
Nhân dân ở cạnh đấy, thấy Ô-mã-Nhi rút quân đi rồi, mới rủ nhau ra sửa sang xây lại lăng, làm lễ yên thần.
Có người báo tin ấy về Hưng-đạo vương. Hưng-đạo vương lập tức sai quan về sửa sang lại cho chỉnh đốn, dùng lễ bái tạ thiên địa, tổ tôn, rồi bàn mưu định kế đánh Thoát-Hoan.
Đó là :
Vận nước dẫu nhờ thần thánh giúp,
Việc người cốt tự trí mưu nên.
Chưa biết việc sau thế nào, sẽ xem hồi sau phân giải.
HỒI THỨ MƯỜI BA
Trần đại-vương dùng phép trừ tà,
Yết tướng-quân đục thuyền mắc lưới.
Hưng-đạo vương đóng quân trong thành Thăng-long, giữ nhau với quân Nguyên, được hơn nửa tháng. Nghe tin quân Nguyên phạm lăng tiên-đế, đã sai quân về sửa sang. Lại lo Thoát-Hoan cho quân xuống lần nữa, mới sai Phạm-ngũ-Lão dẫn 5.000 quân xuống giữ chặn đường Long-hưng. Một mặt hội các tướng lại bàn mưu phá giặc.
Tham-tán Phạm-Ngộ nói rằng :
- Thoát-Hoan chẳng qua chỉ ỷ thế có yêu thuật, phá vỡ quân ta. Nay nên nghĩ cách trừ được thuật ấy, thì đánh mới đổ được quân Nguyên.
Hưng-đạo vương nói rằng :
- Ta thủa xưa thường có học được dị thuật, ta đã lập thành trận đồ, gọi là Cửu-cung Bát-quái. Lại may có một thanh thần-kiếm ; vậy để ngày mai ta dẫn quân ra thành dàn trận, đánh nhau với quân Nguyên, kỳ cho bắt được yêu-nhân mới nghe.
Sáng hôm sau, Hưng-đạo vương đem quân ra thành, bày thành trận thế, chia quân dàn ra tám cửa, mỗi cửa một sắc cờ : Mặt chính-đông cờ xanh, mặt chính-tây cờ trắng, mặt chính-nam cờ đỏ, mặt chính-bắc cờ đen. Góc đông-nam cờ gián sắc xanh-đỏ, góc đông-bắc cờ gián sắc xanh-đen, góc tây-nam cờ gián sắc đỏ-trắng, góc tây-bắc cờ gián sắc trắng-đen. Mỗi mặt 300 quân : 50 tên kị-mã cầm cờ, 250 tên bộ-tốt cầm đồ khí giới. Ở chính giữa thì có một toán quân cờ vàng. Hưng-đạo vương dẫn Dã-Tượng, Yết-Kiêu tự lĩnh trung quân, còn các mặt chia sai bốn vị vương-tử là Hưng-võ vương Quốc-Nghiễn lĩnh mặt chính-đông ; Hưng-hiếu vương Quốc-Úy lĩnh mặt chính-tây ; Hưng-nhượng vương Quốc-Tảng lĩnh mặt chính-Nam ; Hưng-trí vương Quốc-Nghê lĩnh mặt chính-bắc. Lại sai Hùng-Thắng giữ góc tây-bắc ; Huyền-Du giữ góc tây-nam ; Nguyễn-địa-Lô giữ góc đông-nam ; Hà-Chương giữ góc đông-bắc.
Dàn bày đâu đấy, sai người đưa chiến-thư cho Thoát-Hoan, thách đánh.
Thoát-Hoan đến vây thành đã hơn nửa tháng, ngày nào cũng đem quân đến dưới thành khiêu chiến, nhưng thấy Hưng-đạo vương giữ vững bốn mặt thành không ra, nghĩ mãi chưa có kế gì phá được. Bỗng nhiên thấy có chiến-thư đưa đến. Thoát-Hoan mở ra xem biết là thách đến phá trận. Lập tức lên ngựa dẫn quân đến gần dưới thành xem trận thế làm sao. Trông thấy trận bày tám cửa rất là nghiêm chỉnh, mới hỏi Nguyễn-bá-Linh rằng :
- Trận kia gọi là trận gì?
Nguyễn-bá-Linh lên cao ngắm nghía xem một hồi lâu, rồi nói với Thoát-Hoan rằng :
- Trận này có tám cửa, ở giữa lại có một đội quân, đó là theo trong Hà-đô Lạc-thư bày ra, gọi là trận Cửu-cung Bát-quái.
Thoát-Hoan lại hỏi :
- Cứ như trận ấy có cách gì khó phá, mà y dám thách quân ta?
Bá-Linh thưa :
- Tôi xem kĩ trận này, tuy không lấy gì làm khó phá, nhưng xem lại thì có sát-khí bốc lên, chắc là có thuật quỉ thần gì đây, nếu đại-quân khinh thường phá vào, tất là mắc mẹo.
- Vậy thì ngươi có thuật gì phá được không?
Bá-Linh ngần ngừ một lúc, rồi thưa rằng :
- Trận này biến hóa lắm phép, xin thái-tử đóng quân ở ngoài, để tôi xin lĩnh một toán quân phá vào trong trận, tùy cơ ứng biến, phỏng có nguy cấp, tôi cũng có phép thoát thân.
Thoát-Hoan nghe nhời, cho Bá-Linh dẫn một đội quân vào phá trận, còn mình thì đóng quân ở ngoài.
Bá-Linh dẫn 500 quân hò reo đánh trống tự mặt chính-đông đánh vào. Hưng-đạo vương thấy quân Nguyên đánh vào, thủ tướng là Bá-Linh, trong bụng đã mừng, chắc là phen này bắt được yêu nhân. Mới cầm thanh thần-kiếm niệm chú mấy câu, rồi lại cầm lá cờ vàng phất lên, bỗng dưng giời đất tối sầm, đùng đùng nổi gió. Bá-Linh giật mình, kíp muốn rút quân chạy ra, thì giời đã mù mịt, không phân biện bên nào là đông, tây, nam, bắc, chỉ thấy tiếng quân hò reo, cung nỏ bắn ra như mưa. Bá-Linh thấy thế đã nguy cấp lắm, mới dùng phép độn-giáp, tàng hình biến mất, còn 500 quân thì bị chết và bị bắt sống không thoát một người nào.
Thoát-Hoan khi ấy thấy Bá-Linh vừa vào khỏi trận thì giời nổi gió, u ám cả lại, biết là mắc mưu, không dám vào cứu, liền rút quân chạy ra bờ sông Phú-lương. Hưng-đạo vương thừa thế đuổi đánh, quân Nguyên xuống thuyền không kịp, chết đuối rất nhiều. Thoát-Hoan chạy được lại lui về Vạn-kiếp, chia quân giữ trại Chí-linh và trại Phả-lại.
Hưng-đạo vương thu quân, biết Bá-Linh dùng phép trốn được, bàn với các tướng muốn tiến quân xuống Vạn-kiếp, bày kế bắt cho được Bá-Linh mới nghe.
Bá-Linh trốn về Vạn-kiếp ra mắt Thoát-hoan, Thoát-Hoan mừng rỡ, hỏi rằng :
- Ta tưởng là ngươi bị hãm ở trong trận rồi, làm sao lại về được đến đây?
Bá-Linh thưa rằng :
- Tôi may nhờ có thuật tàng hình biến hóa, không thì cũng mắc phải trận ấy.
Thoát-Hoan lại nói rằng :
- Không ngờ Trần Hưng-đạo cũng biết dùng thuật, ngươi nghĩ làm sao bây giờ?
- Thái-tử khoan tâm, xin ngài cứ giữ vững ở đây, để tôi xin cùng với Ô-mã-Nhi tướng-quân, đem thủy quân ra sông Phú-lương, liệu tìm mưu kế mà phá thành Thăng-long.
Thoát-Hoan nghe nhời, sai Ô-mã-Nhi, Bá-Linh dẫn 500 chiến thuyền tự sông Vạn-kiếp thuận dòng ra Phú-lương.
Hưng-đạo vương thấy quân Nguyên lại kéo đến, hỏi các tướng rằng :
- Ta bày trận trước, cốt để bắt Nguyễn-bá-Linh, không ngờ y có thuật trốn được, nay y lại dẫn quân đến, thì nên nghĩ kế gì mà bắt cho được?
Yết-Kiêu thưa rằng :
- Đại-vương chớ ngại, tôi xin dùng một kế này, không cần gì phải đánh khó nhọc, mà quân giặc phải chết đuối cả, và tất bắt được Bá-Linh.
Hưng-đạo vương hỏi :
- Ngươi có kế gì mà hay làm vậy?
Yết-Kiêu thưa :
- Tôi có một nghề lội nước rất giỏi, cả ngày ở dưới nước cũng không việc gì. Vậy tôi xin xuống sông đến chỗ thuyền quân Nguyên đóng, đục đáy thuyền cho nước tràn vào. Như thế thì quân kia phải chết đuối cả, mà có thể bắt được Bá-Linh.
Hưng-đạo vương nghe nhời cho đi.
Yết-Kiêu lính mệnh ra đi, cầm dùi sắt lặn xuống sông. Khi đi ngầm đến gầm thuyền giặc, đục luôn được vài ba chiếc, nước tràn vào đắm cả, quân Nguyên thấy thế xôn xao, Ô-mã-Nhi không biết vì cớ gì, ngờ là có thủy quái dưới sông, sai quân sĩ cầm giáo dài đâm xuống. Yết-Kiêu vội vàng lặn xuống đáy sông trốn về.
Hôm sau, Yết-Kiêu cầm dùi lặn xuống sông đục thuyền quân Nguyên, liền đắm mất vài chiếc ; quân nó đâm giáo xuống. Yết Kiêu lại trốn về.
Ô-mã-Nhi thấy thuyền thường tự dưng bị đắm, cho dò xem, biết là có người đục thuyền, đang nghĩ khế dò bắt, lại thấy quân-sĩ kinh hoàng hô hoán lên rằng : thuyền đắm ! Ô-mã-Nhi vội vàng sai quân xúm lại cầm giáo khua lùng dưới nước. Yết-Kiêu thấy động, lại lặn xuống dưới sâu trốn thoát.
Ô-mã-Nhi bắt không được người đục thuyền, trong bụng căm tức, mới dự sẵn chài lưới, có ý dình bắt. Yết-Kiêu vô tình, hôm sau lại đến đục thuyền. Ô-mã-Nhi biết ý, giăng lưới ra cả bốn mặt, rồi sai quân lia gươm xỉa giáo xuống nước, sục tìm tứ phía. Yết-Kiêu vội vàng trốn ra, không ngờ mắc phải lưới có lưỡi câu, quân chằng cả vào mình. Quân Nguyên reo ầm cả lên, xô nhau lại kéo lưới bắt đem lên thuyền. Ô-mã-Nhi thấy bắt được một tướng mặt mũi dữ tợn, sai trói lại đem đến thuyền mình tra hỏi.
Quân thám-tử biết tin Yết-Kiêu bị Ô-mã-Nhi bắt được, chạy về báo với Hưng-đạo vương, Hưng-đạo vương lo lắm, muốn đem quân đến đánh Ô-mã-Nhi để cứu Yết-Kiêu, mới sai Dã-Tượng, Hùng-Thắng dẫn chiến thuyền ra sông Phú-lương. Ngài thì dẫn quân đi sau tiếp ứng. Ô-mã-Nhi thấy có chiến thuyền kéo đến, liền dàn thuyền ra cự nhau với quan quân. Đôi bên đánh nhau một hồi, Dã-Tượng, Hùng-Thắng địch không nổi quân Nguyên, quay thuyền chạy về. Ô-mã-Nhi, Nguyễn-bá-Linh giục thuyền đuổi đánh, may có đại quân tiếp ứng, cứu được hai tướng. Ô-mã-Nhi lại rút quân về thượng-lưu. Hưng-đạo vương thấy đánh chưa được linh lợi cũng rút quân về thành.
Ô-mã-Nhi về thủy-trại đem Yết-Kiêu ra hỏi rằng :
- Nước Nam còn ai giỏi bằng mày nữa không?
- Bọn chúng tôi đi đục thuyền còn nhiều người giỏi, duy tôi lội hèn nhất, mới phải bị bắt. Nếu Tướng-quân tha tôi, thì tôi xin chỉ đường cho Tướng-quân bắt hết được cả bọn kia.
Ô-mã-Nhi tin nhời, sai cởi trói, khoản đãi tử tế, rồi cho ngồi một chiếc thuyền nhỏ, sai quân dẫn đi trỏ đường, để bắt bọn kia. Yết-Kiêu nhân lúc bất tình cờ, nhảy tùm xuống sông trốn mất.
Quân sĩ về báo với Ô-mã-Nhi, Ô-mã-Nhi than rằng :
- Ai ngờ nước Nam có thần-tướng, chúng ta khó lòng ở lâu được xứ này !
Yết-Kiêu trốn về ra mắt Hưng-đạo vương. Hưng-đạo vương mừng rỡ, hỏi lại tình đầu các truyện, Yết-Kiêu thưa hết đầu đuôi mọi sự.
Hưng-đạo vương hỏi rằng :
- Kế ấy của ngươi cũng không bắt được yêu-nhân, vậy ngươi còn kế gì nữa không?
- Tôi tuy chưa thành công, những cũng đã khiến cho quân Nguyên mất vía. Vậy tôi xin tìm đích thuyền Bá-Linh ngồi sẽ đục, thì chắc là bắt được y.
- Mưu ấy của ngươi đã lộ rồi, giặc tất phòng bị trước, dùng làm sao được nữa.
- Giặc tuy biết mưu ấy, nhưng tôi xin tùy cơ ứng biến, thừa khi bất ý, lừa bắt cho được Bá-Linh thì chạy về ngay, dẫu giặc biết cũng không làm gì được.
- Ngươi đã nhất định xin đi, thì phải cho cẩn thận, hễ bắt được Bá-Linh thì ta mới có thể phá được quân Thoát-Hoan.
Yết-Kiêu mừng rỡ, lại đi ra bờ sông.
Lập công bao quản đường gian hiểm,
Dùng mẹo nên tìm cách lạ lùng.
Chưa biết về sau thế nào, sẽ xem hồi sau phân giải.
HỒI THỨ MƯỜI BỐN
Gươm thần-kiếm chém giặc phạm Nhan,
Quân mai-phục chẹn đường Văn-Hổ.
Yết-Kiêu ra đến bờ sông, trá hình làm một ông lão đánh cá, bơi chiếc thuyền nhỏ, ra gần đám quân Nguyên đóng thuyền, có ý nhìn ngắm xem cờ hiệu Bá-Linh đóng thuyền nào. Yết-Kiêu bơi diễu thuyền năm bảy vòng, biết chắc thuyền Bá-Linh đóng tại góc tây-bắc. Nhân lúc giời tối nhóa nhem, lặn xuống sông đến tận nơi ấy, nhô đầu lên dòm biết đích là thuyền Bá-Linh, mới lặn xuống gầm đục thuyền, nước tức thì ồ ồ chảy vào, quân trong thuyền xôn xao kêu khóc. Yết-Kiêu chực thuyền đắm thì bắt Bá-Linh lôi đi. Không ngờ Bá-Linh thấy thế nguy, đã tàng hình biến mất. Ô-mã-Nhi thấy động, vội vàng lại chăng lưới ra xung quanh. Yết-Kiêu biết ý, chạy trốn được thoát.
Yết-Kiêu về ra mắt Hưng-đạo vương, thuật truyện đầu đuôi.
- Bá-Linh nó có yêu thuật, dù có bắt được tất nó lại biên mất. Ta nghe nhà phù-thủy thường dùng chỉ ngũ-sắc, trói bắt giống yêu quái, thì dù tinh ma cũng không biến được. Vậy ngươi định bắt Bá-Linh, phải chữ sẵn dây ngũ-sắc, chớ khi bất tình cờ bắt được, dùng dây ấy quấn vào mình nó, thì nó không biến hình được nữa.
Yết-Kiêu vâng nhời, dùng chỉ ngũ-sắc đánh lại làm một cái chão to, ăn mặc trá hình lại giả làm một người câu cá, đi dò dẫm bờ sông. Chiều tối hôm ấy, Ô-mã-Nhi sai Bá-Linh dẫn 10 chiếc thuyền đi tuần tiễu các ven sông. Yết-Kiêu lẻn mình một chỗ, dò xem đại tướng trên thuyền biết là Bá-Linh, trong bụng đã mừng. Nhưng lại nghĩ rằng : Ta mà lặn xuống đục thuyền của y, y tất lại biến mất ; nếu ta nhảy vào thuyền bắt y, mà ta có một mình, quân y thì nhiều, dù có bắt được, tất chúng nó xô nhau vào cứu, thì ta cũng khó lòng thoát được. Chi bằng ta lập ra một kế, khiến cho thuyền nó tan ra tứ phía, thì ta mới có thể thừa cơ bắt được.
Nghĩ thế rồi, lặn xuống sông đến gần trước đám thuyền, nhô đầu lên vùng một cái cực mạnh, quân Nguyên nhác trông thấy, trước còn hồ nghi, chưa biết vật gì, Yết-Kiêu lại nhô lên vùng cái nữa, quân Nguyên trông rõ là người, mới hô to lên rằng : có giặc ! Trong một đám thuyền kinh động, tranh nhau cầm gươm giáo sục tìm bốn bề. Một nhát, Yết-Kiêu lại vùng một tiếng, quân Nguyên bơi thuyền đến chỗ ấy đâm giáo xuống, thì chẳng thấy tăm hơi gì. Đang khi ngơ ngác, lại thấy vùng một tiếng mé sau, quân Nguyên lại đến chỗ ấy sục tìm. Bá-Linh sai 10 chiếc thuyền, mỗi chiếc tìm một ngả. Các thuyền hơi nghe có tiếng động nước, thì tranh nhau đâm giáo xuống. Yết-Kiêu bấy giờ sè sẽ nhô đầu lên dòm, thấy đoàn thuyền đã tán cả ra tứ phía, mới lặn đến chỗ thuyền Bá-Linh ngồi, dùng sức nhô lên cực mạnh, làm cho thuyền trao nghiêng sắp đổ. Quân trên thuyền kinh hoảng. Yết-Kiêu cầm thanh gươm nhảy vót lên thuyền, quân Nguyên khiếp sợ nằm nép cả xuống sạp thuyền. Bá-Linh vội vàng dùng phép độn hình, thì đã bị Yết-Kiêu quăng dây ngũ sắc quấn chằng vào mình, không thể sao biến được nữa. Các thuyền xung quanh thấy thuyền Bá-Linh bị cướp, xô nhau lại cứu, thì Yết-Kiêu đã bắt được Bá-Linh chằng xong dây ngũ-sắc, cắp ngang bên mình nhảy xuống sông rồi. Quân Nguyên mất chủ-tướng, chạy về báo với Ô-mã-Nhi. Ô-mã-Nhi kíp sai quân sĩ bơi thuyền ra tìm tứ phía. Quân sĩ trông hút thấy đằng xa có một người cắp một người lên bờ nam-ngạn, quần áo ướt lướt thướt, biết là người ấy bắt tướng mình, xô nhau chèo thuyền vào bờ, kéo ồ cả lên bộ đuổi theo. Yết-Kiêu chạy miết một hồi, gặp quân thủ-hạ ra đón diệu Bá-Linh chạy riết về thành. Quân Nguyên cố sức đuổi theo chực cướp lại Bá-Linh, nhưng bị quân trong thành thấy động đổ ra tiếp ứng, đánh giết quân Nguyên tan nát. Quân Nguyên lại chạy cả xuống thuyền bơi đi. Ô-mã-Nhi thấy Bá-Linh bị bắt rồi, liền rút quân về Vạn-kiếp.
Yết-Kiêu về đến dinh đem Bá-Linh vào nộp. Hưng-đạo vương mừng rỡ, sai điệu đến dưới thềm, thấy Bá-Linh quần áo còn ướt, mà người đã mê man bất tỉnh nhân sự. Hưng-đạo vương sai đem ra nơi tĩnh, chờ cho tỉnh tao lại, rồi mới đem ra tra hỏi.
Khi Bá-Linh tỉnh rồi. Hưng-đạo vương cho diệu vào, hỏi rằng :
- Mày tự thị có tà thuật, nay mày đã chịu ta chưa?
Bá-Linh phục tội. Hưng-đạo vương sai điệu ra chém. Bá-Linh chiêu xưng là có quê mẹ ở làng An-bài, xin về quê mẹ chịu chết.
Hưng-đạo vương sai con là Hưng-võ vương Quốc-Nghiễn điệu Bá-Linh về An-bài hành hình. Khi chém Bá-Linh, chém đầu này lại mọc đầu khác. Hưng-võ vương tức giận, sai quân-sĩ cầm dao cầm búa băm nhỏ ra, nhưng dao búa băm vào cũng không đứt được thịt. Bá-Linh miệng vẫn cười ha hả. Hưng-võ vương không biết dùng cấp gì giết được, cho người về tâu với Hưng-đạo vương. Ngưng-đạo vương nổi giận, cầm thanh thần-kiếm thân xuống tận làng An-bài giám chảm. Bá-Linh trông thấy Hưng-đạo vương và thanh thần kiếm, bấy giờ mới chịu phép. Khi điệu ra chém, Bá-Linh ngảnh cổ lại hỏi rằng :
- Đại-vương ra tay thì tôi xin chịu, nhưng sai khi tôi nhắm mắt, Đại-vương cho tôi ăn đồ gì ?
Dã-Tượng cầm thanh thần-kiếm, sắp sửa khai-đao, thấy Bá-Linh hỏi làm vậy, phát bẳn quát lên rằng :
- Cho mày văn sản huyết thiên-hạ !
Nói vừa buông nhời, chặt một nhát, đầu Bá-Linh lăn xuống đất.
Ở cạnh làng ấy có con sông Thanh-lương, quân-sĩ đem đầu Bá-Linh quẳng ra ngoài sông.
Hưng-đạo vương chém xong Bá-Linh, dẫn quân về thành Thăng-long.
Cách vài hôm sau, có hai người thả lưới đánh cá ở sông ấy, thường thường nhắc lưới, chỉ thấy một cái đầu lâu Bá-Linh. Hai người ấy lấy làm kì dị, mới khấn rằng :
- Nếu hồn có khôn thiêng, xin run rủi cho tôi đánh được nhiều cá, thì chúng tôi sẽ mai táng cho.
Khấn xong, hai người nhắc lưới, mẻ nào cũng được nhiều cá. Hai người mới đem cái đầu ấy táng trộm bên cạnh bờ. Tự đấy hai người đi qua chỗ mả, thường hay khấn Bá-Linh đi chơi. Dần dần Bá-Linh cũng hiện hình lên đi với các người ấy, lâu ngày thành ra quen lữa. Các người ấy nhân khi Bá-Linh còn sống hay có tính dâm, thường nói đùa đố hồn Bá-Linh, ra ghẹo con gái, hễ trông thấy người con gái nào mà đố y ghẹo, thì người ấy quả nhiên về nhà mắc bệnh. Người trong làng lấy làm linh dị, mới lập miếu ở bên sông để thờ.([1])
Hưng-đạo vương giết xong Bá-Linh, tiến quân ra mặt Quảng-yên, lập một ngọn trại to ở An-hưng ([2]) để cự nhau với Thoát-Hoan.
Thoát-Hoan tự lúc Ô-mã-Nhi chạy về, thế đã hơi núng, chỉ giữ vững trại Chí-linh và trại Phả-lại. Bấy giờ nhân sắp cạn lương, mới sai Ô-mã-Nhi dẫn thủy quân ra cửa bề Đại-bàng([3]), đón thuyền lương của Trương-văn-Hổ tải vào đường qua ải Vân-đồn([4]). Ở đó có Nhân-huệ vương là Trần-khánh-Dư trấn thủ, vì Hưng-đạo vương biết ý Ô-mã-Nhi ra bể đón thuyền lương, sai Khánh-Dư giữ chặn đường thủy, không cho Ô-mã-Nhi đem lương vào.
Thượng-hoàng và vua nghe tin quân Nguyên đã rút cả về Vạn-kiếp, cũng tự mặt Thanh tiến quân ra hội với Hưng-đạo vương. Hưng-đạo vương rước xa-giá vào dinh. Vua an úy một hồi, rồi nói rằng :
- Trẫm nhờ có đại-vương dùng huyền cơ diệu kế, trừ được yêu-nhân, trẫm lấy làm mừng lắm. Nay quân Thoát-Hoan đã núng, đại-vương nên sớm tiễu trừ, cho trẫm được yên tâm.
Hưng-đạo vương tâu rằng :
- Lão-thần nhờ hồng phúc bệ-hạ, phá giặc mười phần đã được năm sáu phần. Chắc là chẳng bao lâu nữa thì cũng xong, bệ-hạ khoan tâm, thần xin liệu kế phá được.
Đang khi nói truyện, sực có tin về báo rằng :
- Trần-khánh-Dư giữ ải Vân-đồn, phụng mệnh chặn đường thủy. Khi Ô-mã-Nhi đi qua, Khánh-Dư chặn đường không nổi, bị Ô-mã-Nhi đánh vỡ, dẫn quân đi thoát.
Thượng-hoàng nghe báo nổi giận, sai trung-sứ ra bắt Khánh-Dư về hỏi tội.
Khánh-Dư từ khi bại trận đang lo nghĩ mưu kế phục thù, bỗng thấy trung-sứ ra bắt ; Khánh-Dư tiếp sứ rồi nói rằng :
- Tôi sai tướng lịnh, đành xin chịu tội, nhưng xin khoan cho tôi một vài hôm, may mà tôi lập được công khác để chuộc tội chăng. Vì Ô-mã-Nhi đã phá quân tôi, trong bụng nó chắc rằng không còn ai ngăn trở gì, nên nó đã kéo quân đi trước
[1] Xem truyện Công-dư-tiệp-kỳ có nói rằng : “Sau khi Nguyễn-bá-Linh chết, thần hồn vẫn có dâm tính, thường đi khắp trong nước, thông dâm với những đàn bà con gái. Các đàn bà sinh sản, thường mắc phải bệnh mê man, thuốc chữa không khỏi. Người ta cho là bệnh phạm Nhan làm, thường hay cầu đảo ở đền Vạn-kiếp, lấy một mảnh chiếu ở trước bàn thờ về rải cho người ốm nằm, hoặc lấy tàn hương hòa với nước lã uống thì khỏi, đó điều là sự huyền hồ.” Phạm Nhan tức là Bá-Linh, vì tên cái Bá-Linh là Nhan, mà người có tội thì gọi là phạm, bởi thế gọi là phạm Nhan.
[2] Thuộc Quảng-yên.
[3] Thuộc về xã Đải-bàng nguyện Nghi-dương tỉnh Hải-dương.
[4] Thuộc tỉnh Quảng-yên.
Separate names with a comma.